Johnson Yang đang học năm cuối chương trình sau đại học ngành Luật, tại một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc. Tháng 6 năm ngoái, Yang thực tập tại một công ty luật ở Thượng Hải, nơi có nhiều doanh nghiệp thuộc top 500 toàn cầu.
Nhưng chàng trai 26 tuổi sớm nhận ra nghề này không hào nhoáng như kỳ vọng. Yang thường xuyên phải làm việc ngoài giờ với lương thấp, khiến anh căng thẳng và mệt mỏi. Anh bắt đầu nghi ngờ khả năng tìm được việc trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này.
"Tôi muốn xem xét những cách khác", anh nói. Yang sau đó quyết định thi công chức.
![Giới trẻ Trung Quốc tìm việc tại một hội chợ việc làm. Ảnh: China Daily](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/04/07/xin-viec2-5647-1712459673.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7PE4KA6HLM3nPQyHRrjamA)
Giới trẻ Trung Quốc tìm việc tại một hội chợ việc làm. Ảnh: China Daily
Du Xin cũng chọn cách này. Tháng 12/2022, cô thi tại một trung tâm ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc trước khi tốt nghiệp. Năm đó, tỷ lệ chọi cho một vị trí công chức là 1/70.
"Kỳ thi rất khốc liệt", Du nói.
Yang và Du là hai trong hàng triệu người thi công chức ở Trung Quốc. Năm 2011, ước tính 1,23 triệu người tham dự kỳ thi này. Năm ngoái, con số đã lên hơn 3 triệu người.
Kỳ thi công chức kiểm tra kiến thức và chuyên ngành đại học liên quan đến vị trí việc làm. Muốn đạt điểm cao, ứng viên thường phải có sự chuẩn bị lâu dài. Như Yang, anh dành 8 tiếng mỗi ngày trong 4 tháng để ôn tập trước khi tham gia kỳ thi hàng năm vào tháng 11.
"Biết cách trả lời câu hỏi thôi chưa đủ, bạn còn phải nhanh", anh nói. "Bạn chỉ có 20 đến 40 giây cho mỗi câu".
Ở nhà, Yang xem các bài giảng trực tuyến và thi thử, còn Du học chăm chỉ suốt 6 tháng. Du không ngạc nhiên trước số lượng người nộp đơn cao. Theo cô, nhiều người trẻ Trung Quốc muốn có một công việc ổn định.
"Tôi cảm thấy hơi lạc lõng sau khi học xong cao học vì không biết muốn làm gì", Du nói. "Nhưng tôi biết mình muốn một công việc đảm bảo và có thời gian rảnh".
Lương thấp nhưng cô vẫn nhận thấy làm nhà nước có nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn công chức thường có chế độ bảo hiểm y tế, lương hưu tốt hơn, được trả thưởng đều đặn và đảm bảo việc làm trọn đời.
Sự an toàn và một vị trí công việc trọn đời làm xuất hiện trở lại khái niệm "bát cơm sắt", với ý nghĩa không lo thất nghiệp. Từ này vốn được dùng để chỉ việc làm trong các doanh nghiệp nhà nước trước những năm 1970, nhưng sau đó biến mất vì sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
![Các quầy tuyển dụng san sát nhau tại một hội chợ việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/04/07/xin-viec3-4111-1712459673.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BA7ZQ7UYPk3BQXitY6pNBA)
Các quầy tuyển dụng san sát nhau tại một hội chợ việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Theo Yasheng Huang, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, số người ứng tuyển vào khu vực công cao là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế, cho thấy các lựa chọn nghề nghiệp khác đang biến mất.
Còn Yang Jiang, học giả về chính sách kinh tế của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho rằng mọi người đổ xô vào nhà nước là do số lượng sinh viên tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm kỷ lục. Riêng năm 2023, gần 11,6 triệu người tốt nghiệp đại học, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, nền kinh tế chưa đạt được tốc độ tăng trưởng của những năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài lần đầu tiên bị giảm, từ tháng 7 đến tháng 9/2023.
"Khu vực tư nhân nói riêng đã chứng kiến nhiều đợt sa thải trong thời kỳ suy thoái kinh tế", bà Jiang cho hay. "Điều đó đương nhiên khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyển sang khu vực công để tìm kiếm sự đảm bảo việc làm mà lĩnh vực tư nhân đang thiếu".
Tháng 7/2023, chính phủ Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 16-24 tuổi ở mức 21,3%. Dữ liệu mới nhất công bố hồi tháng 1 cho thấy tỷ lệ này được cải thiện (14,9%), nhưng lại không tính đến số sinh viên và thanh niên ở nông thôn.
Dù đã nỗ lực, Yang vẫn không thể lọt vào vòng tiếp theo. Còn Du may mắn hơn khi nhận được công việc tại văn phòng đảng ủy địa phương ở Thạch Gia Trang.
Điều khiến cô hài lòng là thời gian làm việc. Cô làm từ 9h đến 17h và nghỉ cuối tuần. Trong khi nhiều bạn bè của Du thường phải làm việc theo "văn hóa 996", tức 9h đến 21h, 6 ngày một tuần, ở các doanh nghiệp tư.
"So với họ, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn để tận hưởng sở thích của mình", Du chia sẻ.
Còn Yang, môi trường cạnh tranh khiến anh suy nghĩ lại về những gì thực sự mong muốn. Đáng lẽ Yang tiếp tục thi công chức, nhưng anh quyết định đi thực tập tại một công ty luật ở Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.
Bốn tháng chuẩn bị cho kỳ thi khiến Yang nhận ra đam mê với ngành Luật. Anh cũng nhận thấy sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực công với nhiều sinh viên giỏi, có thể lại khiến khu vực tư có nhiều lựa chọn hơn cho những người khác.
"Một số công việc bắt đầu với mức lương tương đối thấp hơn nhưng bạn vẫn có thể thử", Yang nói.
Bình Minh (Theo ABC News, Aljazeera)