Với các bức tường dày bằng bê tông, cửa vào được gia cố bằng thép và hệ thống lọc không khí, giáo sư kiến trúc Hàn Quốc Lee Tae-goo tin căn hầm nằm 1 m dưới mặt đất có thể giúp ông sống sót trong thảm họa hạt nhân, chịu được tác động trực tiếp từ một tên lửa thông thường.
Căn hầm nằm trong khuôn viên nhà ông Lee ở thành phố Jecheon, cách thủ đô Seoul khoảng 120 km về phía đông nam, với chi phí xây dựng khoảng 70 triệu won (48.000 USD) chưa tính nhân công.
Số tiền trên được một chương trình nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc chi trả, sau khi ông Lee gửi đề xuất và được chấp thuận. Đây là một phần chiến dịch của ông Lee nhằm kêu gọi người dân Hàn Quốc nghiêm túc hơn trong chuẩn bị ứng phó thảm họa hạt nhân.
"Triều Tiên cách nơi này chỉ 100 km và họ có thể phóng tên lửa hạt nhân hoặc sinh học", giáo sư Lee, từ Đại học Semyung, nói. Ông cũng rất lo ngại khả năng một trong những lò phản ứng hạt nhân lâu đời ở Hàn Quốc gặp sự cố, tương tự thảm họa Fukushima ở Nhật Bản.
"Người dân Hàn Quốc từ lâu không còn được yêu cầu xây hầm cá nhân. Trong khi đó, có ít hầm trú ẩn công cộng và nhiều cơ sở ở rất xa", ông bổ sung.
Hàn Quốc và Triều Tiên về cơ bản vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc xung đột năm 1950 - 1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau "có hành động khiêu khích", làm dấy lên nguy cơ leo thang thành xung đột.
Triều Tiên đã thử hạt nhân 6 lần, lần đầu tiên năm 2006, và phóng thử hàng loạt tên lửa. Bình Nhưỡng gần đây cho biết họ đã tổ chức các cuộc diễn tập "tấn công hạt nhân chiến thuật", dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong-un.
Dù quân đội Hàn Quốc cho biết họ vẫn duy trì "trạng thái sẵn sàng tối đa" đề phòng một cuộc tấn công, giáo sư Lee nói nhiều người dân nước này dường như đã quên mất chiến tranh và không có sự chuẩn bị cần thiết.
Hàn Quốc có mạng lưới hơn 17.000 hầm trú bom trên toàn quốc, theo số liệu từ Bộ Nội vụ Hàn Quốc, với hơn 3.000 hầm ở Seoul. Các ga tàu điện ngầm ở Seoul có thể làm hầm trú ẩn trong các đợt không kích nhưng không chống tấn công hạt nhân.
Những năm 1970, Hàn Quốc có luật quy định các tòa nhà xây trên một diện tích nhất định tại các thành phố lớn phải có tầng hầm, sử dụng làm hầm trú ẩn trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Tại Seoul, do giá bất động sản tăng mạnh, hầu hết các tòa nhà tư nhân đều sử dụng tầng hầm làm nơi đỗ xe hoặc xây các căn hộ bán hầm. Điều này khiến ông Lee lo lắng.
Hàn Quốc có hệ thống hầm trú ẩn hàng đầu cho quân đội nhưng phía dân sự lại bị bỏ lại khá xa, giáo sư Lee nói, bày tỏ hy vọng có thể truyền cảm hứng để người khác làm theo. Ông đã nhận được nhiều câu hỏi về thiết kế hầm, trong đó có các quan chức Không quân Hàn Quốc, những người từng khảo sát hầm hồi đầu năm.
Với những căn hộ cao tầng đô thị, ông Lee khuyến nghị coi hầm đỗ xe là nơi trú ẩn, cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên tăng cường khả năng phòng chống tấn công hạt nhân cho các hầm tàu điện ngầm.
Nhiều người Hàn Quốc ngày càng thờ ơ trước những mối đe dọa thường trực từ Triều Tiên, nhưng cũng có nhiều người như Lee đang tự tìm cách giải quyết vấn đề. Công ty Hàn Quốc Chumdan Bunker System giới thiệu hầm chống hạt nhân tại một triển lãm ở Seoul và bắt đầu bán từ năm 2017, lần gần nhất Triều Tiên thử hạt nhân.
Website của Chumdan quảng cáo hầm ngầm "có thể chịu được các vụ nổ hạt nhân, chống phóng xạ và hóa chất độc hại". Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến sản phẩm của Chumdan không đồng nghĩa doanh số của công ty cũng tăng theo.
"Lượng truy cập trực tuyến vào website của chúng tôi gia tăng nhưng số đơn thực tế vẫn như cũ", một nhân viên Chumdan nói. Sản phẩm của công ty có giá khoảng 23.000 USD.
Theo giáo sư Lee, những người xây hầm trú ẩn hạt nhân thường có xu hướng giữ bí mật, lo ngại sẽ nhận hàng loạt yêu cầu xin trú ẩn từ người thân, bạn bè và hàng xóm.
"Khi tôi xây căn hầm này, ai cũng nói với tôi rằng họ sẽ đến trú ẩn nếu Hàn Quốc bị tấn công. Nhưng nơi này chỉ chứa được 12 người", ông Lee nói.
Như Tâm (Theo AFP)