Video: Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng.
Thời gian gần đây, chùa Cầu ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) xuống cấp. Trên thân cầu, nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Một số thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các dầm cầu hư hỏng được cơ quan quản lý chùa dùng cây gỗ chống đỡ.
Tại các phần mố trụ đỡ chùa Cầu cũng xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa; kết cấu phần cầu và miếu đang có độ tách rời vài cm. Nhiều chỗ trên mái bị dột nước mưa ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình.

Chùa Cầu dải khoảng 18 m, vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, mới đây hai dầm cầu có nguy cơ sụp đổ nên đơn vị dùng các thanh gỗ chống đỡ.
"Đây là cách làm tạm thời để tránh nguy cơ sập di tích, còn phương án trùng tu thì phải chờ cấp trên phê duyệt", ông nói.

Hầm dầm cầu được dùng gỗ chống đỡ. Ảnh: Đắc Thành.
Chùa Cầu hư hỏng nhiều năm qua và đã có nhiều hội thảo được tổ chức để tìm biện pháp xử lý. Trong đó, tháng 8/2016, hội thảo quốc tế về bảo tồn trùng tu chùa với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Tại đây, đa số thống nhất việc tu bổ chùa theo phương án hạ giải (tháo dỡ) toàn bộ.
"Tuy nhiên từ đó đến nay chưa có phương án nào được triển khai", ông Trung nói.

Một số dầm cầu bằng gỗ bị nứt, có nguy cơ mục nát. Ảnh: Đắc Thành.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch TP Hội An cho hay, chính quyền địa phương đã tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế về hướng trung tu, nhưng chưa thống nhất được.
"Đây là di tích đặc biệt nên chúng tôi phải xin chủ trương của cấp trên, trong thời gian chờ đợi chính quyền thành phố chỉ biết chống đỡ tạm thời", ông nói.
Cách đây 400 năm, các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng cầu, sau đó người Hoa dựng thêm phần chùa gọi là chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".
Năm 1990, chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia. Đây là biểu tượng của khu phố cổ Hội An và đã qua bảy lần trung tu, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.