"Tôi hiện có khoảng 50.000 USD tiền mặt và có thể kiếm thêm 50.000 USD nữa cho đến khi chúng tôi kết hôn. Tôi dự định chuyển hết số tiền này để đầu tư tiền điện tử, nhưng không biết nó có an toàn trong trường hợp ly hôn hay không. Tòa án sẽ phân chia thế nào", một thanh niên 29 tuổi đặt câu hỏi trên Reddit. "Tôi không có ý định sẽ ly hôn sau khi kết hôn. Nhưng cuộc sống ai mà biết được. Cha mẹ tôi vẫn chia tay sau 20 năm chung sống đấy thôi", thanh niên này viết.
Chủ đề nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Các ý kiến đều cho rằng anh thanh niên trên ích kỷ, chỉ lo cho bản thân, trong khi số khác thừa nhận mình cũng có "quỹ đen" mà vợ không biết.
Thực tế, nhiều người đang sở hữu hàng triệu USD tiền mã hóa nhưng không chia cho vợ/chồng mình khi ly hôn như tài sản thông thường. Sandra Radna, luật sư chuyên giải quyết vấn đề ly hôn ở Long Island, New York, kể: "Một khách hàng của tôi có chồng là triệu phú tiền số với hơn một triệu USD trong tài khoản. Nhưng anh ta nói rằng mình chỉ có khoản hưu trí 200.000 USD. Người vợ biết chồng mình có khối tài sản lớn hơn thế, nhưng không biết ông ta cất ở đâu".
Một luật sư khác tên Ayesha Vardag nhận thấy số các cặp vợ chồng ly hôn nhưng vẫn vướng mắc tiền điện tử đã tăng gấp 5 lần, kể từ 2017. "Nó giống trò mèo vờn chuột. Bằng các kỹ thuật ngày càng tinh vi, sự giàu có đã bị che giấu", bà Vardag nói. "Tương tự cách tuồn tiền ra nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư để cất giấu tài sản riêng, Bitcoin và các loại tiền điện tử đang được sử dụng để che giấu quỹ đen của vợ/chồng".
Khác với các tài sản thông thường, tiền điện tử như Bitcoin thường được lưu trữ trong các "ví" ảo. Pháp luật tại hầu hết quốc gia chưa có chế tài liên kết nó với một cá nhân cụ thể nên được các ông chồng/bà vợ tận dụng trước tòa để che giấu tài sản của mình.
Một bà mẹ hai con viết trên Reddit rằng bà đã rất tức giận khi phát hiện chồng mình là một triệu phú tiền điện tử. "Tôi cảm thấy không được tôn trọng. Liệu có lý do gì để tiếp tục cùng nhau hay không?", bà viết.
Harriet Errington - luật sư của công ty luật Boodle Hatfield - tin rằng các vụ ly hôn liên quan đến xung đột do tiền số như Bitcoin sẽ trở thành một vấn đề lớn trong tương lai. "Tôi cho rằng tòa án gia đình ngày nay bắt đầu lỗi thời. Việc áp dụng các điều luật hiện nay khi phân chia tài sản kỹ thuật số như Bitcoin có thể khó khăn hơn", Errington nhận định. Ông cũng nhận thấy ngày càng nhiều người mua tiền số làm "quỹ đen".
Tuy vậy, sự biến động của các loại tiền điện tử này khiến các khoản đầu tư không phải lúc nào cũng sinh lời. Một người dùng Reddit thừa nhận ông đã thua lỗ lớn. "Tôi đã đầu tư vào Bitcoin bằng khoản tiền giấu vợ và thua lỗ. Tôi thề, chuyện này còn căng thẳng hơn cả vụ ly hôn sắp diễn ra", người này nói.
Thông thường, giao dịch tiền điện tử là ẩn danh, nhưng vẫn có các dịch vụ để xác định tài sản này. Mark DiMichael, chuyên gia pháp lý của công ty kế toán Citrin Cooperman, cho biết, có một số cách để việc phân chia tài sản, kể cả tiền số.
Theo DiMichael, các sàn giao dịch tiền điện tử như Coinbase sẽ là mấu chốt vấn đề. Thông qua các giao dịch trên sàn, công ty của DiMichael có thể xác định được số tài sản hiện có. Theo luật ngân hàng Liên bang Mỹ, các giao dịch sẽ được ghi lại và sẵn sàng trưng tại tòa án nếu được yêu cầu. Hiện tại, Citrin Cooperman cũng xây dựng phần mềm để phân tích blockchain và có thể xác định được khối tài sản tiền số chỉ với một vài giao dịch.
"Miễn là có địa chỉ ví, bạn sẽ tìm được", DiMichael cho biết.
Dù vậy, DiMichael thừa nhận tiền số sẽ khó xác định hơn nếu chúng được giao dịch tại các sàn nước ngoài, chẳng hạn Binance. Mỹ hiện chưa có nhiều chế tài để kiểm soát các sàn này.
Bảo Lâm tổng hợp