20 năm trước, mỗi lần về thăm ông, tôi thường qua phà Đá Chông trên con đường đất đỏ bụi mù, lác đác mấy mái nhà heo hút. Xã Đồng Luận nằm trên con đường ấy, giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi. Dân làng ấy đưa nhau đi xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, nhà cửa mọc lên dày đặc hơn, cũng khang trang hơn nhiều.
Cơn bão xuất khẩu lao động đang lan dần ra làng quê Thanh Thủy. Cậu em họ tôi vừa đi xuất khẩu Đài Loan về năm trước, thì năm nay cô em họ sang Nhật Bản. Đằng vợ, cũng ở Thanh Thủy, có ông anh họ vừa sang Nhật tháng 6, thì tháng 10, cô em họ cũng chuẩn bị ra sân bay.
Thay vì bất lực chứng kiến người thân của mình ăn không ngồi rỗi, nhàn cư vi bất thiện, tôi ủng hộ việc đưa người đi xuất khẩu lao động. Về mặt vĩ mô, xuất khẩu lao động mang về ngoại tệ cho quốc gia. Với cá nhân người lao động, họ không chỉ có thu nhập tốt hơn, mà còn được tiếp xúc với một nền văn hóa mới, những phương pháp làm việc mới. Khi trở về, họ sẽ có thể trở thành những lao động chất lượng cao hơn, với nhận thức tốt hơn.
Nhưng mọi chuyện chủ yếu diễn ra với lao động giản đơn. Gần đây, bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất đưa cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động - đó lại là một câu chuyện hoàn toàn mới. Anh họ tôi - một kỹ sư - khi sang Nhật làm việc, kiếm được 30 triệu/tháng, trừ chi phí, tiết kiệm được 20 triệu - trong khi ở Việt Nam xoay ngang xoay dọc cũng chỉ được 5-7 triệu/tháng. Nhưng không phải mọi kỹ sư thu nhập 5 – 7 triệu đồng ở Việt Nam đều có thể nhận về con số gấp 4 - 5 lần như thế ở thị trường nước ngoài. Liệu 54.000 cử nhân mà Bộ định xuất khẩu có đủ năng lực làm việc, khi họ còn không thể xin việc ở thị trường Việt Nam?
Một cách khách quan, thị trường Việt Nam tương đối "dễ tính" về chất lượng nguồn nhân lực. Là một quốc gia đang phát triển, chúng ta có rất nhiều khoảng trống về sản phẩm và dịch vụ, nên cơ hội việc làm cũng rộng rãi hơn. Những kỹ sư có năng lực ở Việt Nam đều có thể kiếm được công việc tốt. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc - những nơi thu hút nhân lực từ khắp nơi trên thế giới - cuộc cạnh tranh giữa phân khúc nhân sự chất lượng cao là rất lớn. Do đó, cơ hội việc làm cũng tương đối khó khăn. Các quốc gia này có thể thuê người Việt Nam làm các công việc chân tay vì người bản địa không muốn làm những công việc có giá trị gia tăng thấp. Liệu người lao động Việt Nam với những hạn chế về ngoại ngữ, tay nghề, hay thậm chí là cả văn hóa ứng xử, có thể làm tốt công việc phức tạp ở một quốc gia phát triển? Liệu những khóa học ngắn hạn của Bộ có giúp họ đáp ứng được những yêu cầu làm việc gắt gao khi mà bốn năm đào tạo trên giảng đường đại học đã không đủ trang trải kiến thức và kinh nghiệm cho họ kiếm một công việc dù là đơn giản ở quê nhà?
Xuất khẩu lao động là tốt, cả vĩ mô lẫn vi mô. Theo tôi, chúng ta đã làm đúng hướng khi xuất khẩu lao động phổ thông ra nước ngoài. Nhưng việc xuất khẩu cử nhân, kỹ sư thất nghiệp sang các nước phát triển phải được tính toán một cách thận trọng. Nếu thật sự có một thị trường lao động cho các kỹ sư Việt Nam, cơ hội đó nên được trao cho những người phù hợp nhất - chứ không chỉ là những người thất nghiệp. Nếu cần thiết, chúng ta có thể đưa các chương trình đào tạo vào hệ thống trường đại học, đào tạo nhân lực chỉ cho nhiệm vụ xuất khẩu lao động. Chỉ bằng cách tạo ra con người mới, có năng lực cạnh tranh, chúng ta mới có cơ hội trên sân khách.
Tôi mong người Việt Nam có thể trở thành công dân toàn cầu. Cùng một năng lực, một kỹ sư có thể kiếm gấp 10 lần, 20 lần khi làm việc ở nước ngoài. Nhưng để biến triển vọng đó thành sự thực, chúng ta cần một kế hoạch chi tiết, khoa học chứ không chỉ là 1.300 tỷ “lộ phí” đưa họ đi đường.
Nguyễn Xuân Quang