Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương chiều 26/3, hầu hết doanh nghiệp cho biết lượng gạo tồn kho cũng như lúa trong dân lớn. Nếu ngưng xuất khẩu thì doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó.
Hiệp hội mong Chính phủ sớm mở cửa xuất khẩu gạo trở lại. Phía doanh nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ hợp đồng xuất khẩu để vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa tạo đầu ra thuận lợi cho nông dân.
GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng, sau khi Tổng cục Hải Quan có thông báo ngưng xuất khẩu gạo, ông và các chuyên gia đã ngồi tính lại sản lượng của Việt Nam trong vụ Đông Xuân 2019-2020.
Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 1,5 triệu ha trồng lúa, ước tính thu được 5,5 triệu tấn gạo. "Giải pháp tốt nhất hiện nay chỉ dự trữ 1,5 triệu tấn gạo, còn lại cho xuất 4 triệu tấn để nông dân được hưởng lợi" GS Xuân kiến nghị.
Với sự gia tăng đặt hàng từ Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, giá gạo thu mua từ dân đang tăng cao. Hiện mỗi tấn lúa người dân bán với giá 6 triệu đồng - mức dân có lãi. Nếu ngưng xuất khẩu, giá lúa sẽ bị ép xuống còn khoảng 4 triệu đồng một tấn, mức này người dân bị lỗ.
"Do đó, tôi mong Chính phủ nên cân nhắc kỹ, cho xuất khẩu kịp thời, đừng để xảy ra tình trạng giải cứu lúa gạo cũng như tránh lặp lại cuộc khủng hoảng gạo năm 2008. Để đảm bảo an ninh lượng thực, Chính phủ nên kiểm soát chặt xuất khẩu và phạt nặng những trường hợp đầu cơ", ông Tòng Xuân nói.
Ông cũng cho rằng, việc sản xuất lương thực của Việt Nam đang khá thuận lợi vì giống lúa sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long là ngắn ngày, có những loại chỉ 85 ngày đã thu hoạch. Do đó, 1,5 triệu tấn gạo cho dự trữ tới tháng 5, 6 là đủ.
Trước phản ứng của doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, Bộ Công Thương cho biết đang ghi nhận ý kiến của các bên để báo cáo lên Thủ tướng ngày 28/3.
Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây cho thấy, đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 26,5% và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm nay 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc).
Ngoài ra, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động từ hạn mặn vùng ven biển, nhưng vụ thu hoạch lúa Đông Xuân vừa qua phần lớn nông dân trúng mùa, giá lúa tăng lên so với đầu vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung toàn cầu giảm do tác động của biến đổi khí hậu, giá lúa gạo sẽ có lợi cho nông dân.
Trước đó, Tổng cục Hải quan có thông báo hỏa tốc ngưng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Tuy nhiên, Bộ Công Thương ngay sau đó đã có đề nghị Chính phủ cho tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận.
Thi Hà