Xét nghiệm theo phương pháp nhanh, kỹ thuật xét nghiệm SD Bioline. Kết quả là "Chưa phát hiện có kháng thể kháng HIV ". Từ đó tới nay em chưa có biểu hiện gì của bệnh HIV cả. Xin hỏi sau gần 4 tháng em mới đi xét nghiệm và kết quả như trên đã chính xác chưa, em có phải đi xét nghiệm lại nữa không. Cám ơn bác sĩ - (Hoàng Văn Hùng).
Trả lời:
Mối lo ngại của bạn liên quan đến hiểu biết về "giai đoạn cửa sổ", một khái niệm thường nghe thấy trong các tài liệu truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV. Tôi xin nói rõ một chút về khái niệm này như sau:
Xét nghiệm HIV thường dùng nhằm kiểm tra sự hiện diện của kháng thể (một dạng protein do cơ thể tạo ra phóng thích vào máu) chứ không phải phát hiện virus HIV trong cơ thể. Sau khi bị virus HIV xâm nhập, cơ thể phải mất một thời gian mới tạo được kháng thể chống lại HIV. Nói cách khác, nếu làm xét nghiệm trong khoảng thời gian từ lúc virus xâm nhập cho đến khi cơ thể sản sinh được đủ lượng kháng thể thì kết quả có thể âm tính trong khi người làm xét nghiệm đã bị nhiễm HIV rồi.
Thời gian “lưng chừng” trên được gọi là giai đoạn cửa sổ. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy từng người và phụ thuộc vào từng loại xét nghiệm. Song nhìn chung, thời kỳ cửa sổ kéo dài trung bình dao động trong khoảng 6 tuần đến 3 tháng, rất ít trường hợp kéo dài hơn.
Do vậy, kết quả xét nghiệm “không phát hiện kháng thể kháng HIV” thường đồng nghĩa với câu trả lời “bạn không nhiễm HIV tính từ thời điểm 3 tháng trở về trước". Nếu bạn vẫn có hành vi nguy cơ trong vòng 3 tháng đến khi xét nghiệm, thì tình trạng nhiễm có thể không thể hiện trên kết quả này.
Theo tiêu chuẩn chẩn đoán HIV âm tính, nghĩa là người đó không nhiễm HIV thì cần hội đủ những điều kiện sau:
- Hai lần xét nghiệm âm tính liên tiếp cách nhau ít nhất 3 tháng và không có hành vi nguy cơ nào trong khoảng thời gian giữa 2 lần xét nghiệm đó.
- Chỉ cần một lần xét nghiệm âm tính, cách lần gần nhất có hành vi nguy cơ là 3 tháng.
Như vậy, tình huống của bạn, kết quả xét nghiệm âm tính cách lần gần nhất có hành vi nguy cơ đã trên 3 tháng, bạn đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là “không nhiễm HIV”
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn lo lắng nên đi xét nghiệm HIV lần nữa. Vì theo khuyến cáo, nếu một người hay bạn tình của họ có hành vi nguy cơ thì nên làm xét nghiệm HIV thường xuyên, định kỳ ít nhất 6 tháng một lần.
Tôi cũng xin nói thêm, nếu có điều kiện, bạn nên làm thêm các xét nghiệm để tầm soát các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác. Cụ thể là xét nghiệm máu để tầm soát giang mai, viêm gan siêu vi B, C, bệnh lậu và Chlamydia không triệu chứng. Các bệnh này cũng nguy hiểm không kém so với HIV.
Thân ái!
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới