Hôm 6/12, Bộ Y tế công bố ca bệnh 1366, là người đàn ông 54 tuổi, quốc tịch Lybia. Bệnh nhân này cùng gia đình từ Qatar nhập cảnh tại sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976 ngày 19/11. Sau đó do bệnh nhân là cán bộ ngoại giao nên theo quy định, cả gia đình được đưa về cách ly tại nơi ở là tòa N01T4 khu Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Ngay trong đêm, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm đã lấy mẫu xét nghiệm lần một với gia đình ông, kết quả đều âm tính.
Ngày 30/11, bệnh nhân thấy mệt mỏi, căng thẳng, khó chịu, huyết áp đo 140/90 mmHg (trên bệnh nền cao huyết áp và tim mạch), được Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám và điều trị.
Chiều hôm sau, ông được chuyển về tiếp tục cách ly tại nơi cư trú. Khi bệnh nhân có kết quả dương tính nCoV, nhà chức trách lấy mẫu xét nghiệm 5 thành viên còn lại trong gia đình, đều âm tính nCoV. Các thành viên trong gia đình bệnh nhân sau đó được chuyển đến cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố.
Giải thích về trường hợp trên, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, những người nhập cảnh Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ sẽ không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày. Ngay sau khi nhập cảnh, những người này được xét nghiệm Covid-19 lần đầu. Sau tối thiểu 24h, họ được lấy mẫu xét nghiệm lần hai. Sau khi cách ly đủ 14 ngày tại nhà và xét nghiệm 2 lần âm tính, họ mới được trở lại làm việc.
Giải đáp về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những trường hợp này, ông Tấn khẳng định Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết để phòng tránh. "Công tác tổ chức thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị được quy định rõ ràng. Chính quyền địa phương, chủ cơ sở cách ly đều phải có trách nhiệm cùng ngành y tế, đảm bảo quản lý chặt chẽ những người này", ông Tấn nói.
Cho rằng ca bệnh nhà ngoại giao Lybia là "chuyện bình thường có thể xảy ra", ông Tấn khẳng định, quy trình cách ly và xét nghiệm những trường hợp tương tự như vậy "đảm bảo rất chặt chẽ, đã được áp dụng thời gian qua".
"Quy trình này được xây dựng từ đầu năm nay, sau đó Bộ Y tế thường xuyên rà soát những điểm chưa phù hợp và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn", ông Tấn nói thêm.
Từ góc độ cơ quan chức năng địa phương, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết việc giám sát những trường hợp cách ly tại nhà nêu trên không gặp khó khăn, "bởi những người này đều có ý thức tuân thủ các quy định phòng chống Covid-19".
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng nhận định "nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp" với trường hợp cán bộ ngoại giao cách ly tại nhà đủ 14 ngày và xét nghiệm hai lần âm tính nCoV. Tuy nhiên, ông Nhung cho rằng "cần tăng cường giám sát, nhắc nhở, kiểm tra những trường hợp này để đảm bảo an toàn".
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bày tỏ lo ngại, dù Bộ Y tế đã ban hành quy định chặt chẽ như nêu trên song không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ.
Ông Hòa phân tích, dịch bệnh trên thế giới ngày càng phức tạp, nên nguy cơ lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam rất lớn. "Những người thuộc diện cách ly đặc biệt chỉ ở nhà, không giao tiếp với bất kỳ ai bên ngoài, nhưng họ vẫn tiếp xúc với người trong gia đình và những người đó có thể vô tình đi ra ngoài nếu không được quản lý chặt chẽ", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, trong thực tế chính quyền địa phương thường gặp khó khăn khi giám sát y tế các nhà ngoại giao cách ly tại nhà cũng như gia đình họ, do vậy, Bộ Y tế nên nghiên cứu biện pháp phù hợp ngay từ khâu nhập cảnh và cách ly để loại trừ rủi ro.
Chưa đưa ra nhận định về quy trình xét nghiệm và cách ly cán bộ ngoại giao, nhưng ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế nêu nguyên tắc "những quy định, quy trình cách ly, xét nghiệm người nhập cảnh mà chưa phù hợp thì Bộ sẽ nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế".
Ngoài cán bộ ngoại giao, theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ tháng 9/2020, một số trường hợp không phải cách ly tập trung nếu nhập cảnh Việt Nam dưới 14 ngày, như: Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các trường hợp theo thỏa thuận với từng nước (chuyên gia); những người tiếp xúc với những người trên trong quá trình nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam...
Cùng với hướng dẫn trên, Bộ Y tế khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương cân nhắc nhu cầu mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ vào Việt Nam làm việc ngắn ngày; phải đảm bảo phòng chống Covid-19.
Những trường hợp không phải cách ly tập trung 14 ngày vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm ra cộng đồng. Những người này phải khai báo y tế điện tử khi nhập cảnh; dùng ứng dụng Bluezone trong suốt thời gian tại Việt Nam (trừ khách từ cấp Thứ trưởng trở lên).
Họ cũng phải có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc đơn vị mời nhập cảnh cam kết chi trả chi phí điều trị nếu bị nhiễm nCoV. Kinh phí cách ly, đưa đón, xét nghiệm Covid-19 của những trường hợp này do đơn vị mời chi trả. Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ được miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nói việc tuân thủ đầy đủ các quy định trên sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Bà Liên phân tích, trước khi nhập cảnh, những người này phải có kế hoạch làm việc cụ thể tại Việt Nam, được UBND cấp tỉnh phê duyệt về phòng chống dịch liên quan đến nơi lưu trú, lịch trình làm việc, phương án di chuyển, danh sách người làm việc và tiếp xúc.
Các chuyên gia phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trước khi nhập cảnh từ 3 đến 5 ngày. Ngay sau khi nhập cảnh, họ được xét nghiệm nCoV và chỉ được bắt đầu làm việc nếu có kết quả âm tính. Trong thời gian làm việc, cứ hai ngày chuyên gia được lấy mẫu xét nghiệm một lần; trước khi rời Việt Nam lấy mẫu lần cuối. "Đặc biệt, các chuyên gia không được ở nhà riêng hoặc nơi cư trú cá nhân để phòng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng", bà Liên cho biết.
"Các địa phương cần tăng cường hơn nữa kiểm tra, giám sát trong quá trình đón các chuyên gia nhập cảnh dưới 14 ngày và xử lý nghiêm người vi phạm", Cục trưởng Quản lý Môi trường y tế nêu quan điểm.