Báo cáo Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 27/9, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, chủ trương của Chính phủ trong lần đổi mới này là có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ Giáo dục sẽ biên soạn một bộ sách nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, các tổ chức cá nhân cùng tham gia.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: Bộ vừa tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa, vừa thẩm định thì có khách quan hay không? "Mong muốn của người dân là có một bộ sách giáo khoa chuẩn, huy động được trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức cá nhân biên soạn. Vì vậy tôi đề nghị Bộ không soạn, chỉ nên thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ sách khác để tham khảo. Nhiều bộ thì giáo viên học sinh phải mua nhiều, tham khảo nhiều, con nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà mua", ông Phúc trăn trở.
Ông Phúc cho rằng thông qua thẩm định sẽ có một bộ sách giáo khoa chuẩn, khách quan, giảm được chi phí vì chỉ bộ sách giáo khoa nào được chọn thì mới được cấp kinh phí. Vì thế Bộ Giáo dục cần trình cả 2 phương án biên soạn sách giáo khoa ra Quốc hội xem xét.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhận định, nếu Bộ đứng ra làm sách giáo khoa thì không đúng với chức năng quản lý nhà nước và khó đảm bảo yêu cầu bình đẳng trong thẩm định, lựa chọn sử dụng sách. Khi không bình đẳng thì học sinh khó có sách thực sự tốt để dùng. Vì vậy, Bộ Giáo dục nên giao lại việc này cho NXB Giáo dục. Đây là đơn vị trực thuộc Bộ nên có thể coi là đại diện cho Bộ, họ lại chuyên làm sách giáo khoa nên có thể yên tâm về một bộ sách đảm bảo chất lượng. NXB Giáo dục cũng phải bình đẳng như các đơn vị khác tự đứng ra làm sách, không lấy tiền từ ngân sách nhà nước mà cần tự bỏ tiền ra, nếu thiếu thì được vay vốn nhưng sau khi bán sách phải hoàn trả cho nhà nước.
“Trong lúc đang đổi mới giáo dục mạnh mẽ, công việc của cơ quan quản lý giáo dục rất nhiều, vì vậy, tôi cho rằng Bộ nên tập trung vào việc hoàn thiện chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện đổi mới, kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm… Đầu tư thời gian làm những việc này, chắc chắn hiệu quả quản lý nhà nước sẽ cao hơn là đầu tư làm sách giáo khoa”, GS Thuyết kiến nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích, đề án đưa ra lần này đã có sự tách bạch giữa chương trình và sách giáo khoa. Trong đó chương trình là pháp lệnh, từ đó có nhiều bộ sách giáo khoa. Đây là điểm rất mới. Ban đầu Chính phủ chủ trương 2 phương án làm sách giáo khoa, trong đó có phương án giao toàn bộ việc biên soạn cho các tổ chức và Bộ chỉ làm nhiệm vụ thẩm định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ Giáo dục không làm sách giáo khoa thì tính chủ động không có, đến thời điểm cần mà không có bộ sách nào đạt chuẩn thì không xử lý kịp. Vì vậy, đa số ý kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội phương án là Bộ Giáo dục cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa.
"Việc đấu giá bản quyền sách giáo khoa do Bộ làm hay không sẽ còn tính tiếp, vì thế không nên ấn định là đấu giá mà nên để ngỏ, vì có thể cho không bản quyền để NXB làm. Vì nếu có đấu giá thì lại tính vào tiền sách của học sinh", ông Đam đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, sau nhiều lần thay đổi thì đến nay đề án cơ bản đã ổn, nhưng vẫn phải tính toán thêm. Chương trình bắt đầu từ học, dạy, thi nên sách giáo khoa cũng vậy, phả làm sao phải bảo đảm tính đồng bộ, ăn khớp, khả thi. "Một chương trình, nhiều sách giáo khoa tôi vẫn thấy phân vân quá. Chương trình là pháp lý nhưng lại cho vận dụng sáng tạo, như vậy có đúng không? Sách giao khoa không phải là pháp lý, nhưng có phải bộ sách giáo khoa nào cũng cho dạy không?", Chủ tịch Quốc hội trăn trở.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án là 778,8 tỷ đồng, trong đó, 504,4 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng con số này không phải nhỏ, tuy nhiên, nếu đem lại được chất lượng mới cho ngành giáo dục thì lại rất rẻ, vì nếu tính ra chỉ bằng giá làm 1 km đường ở Hà Nội. “Tôi chưa thấy việc gì thành công mà không có kế thừa. Việc viết sách giáo khoa cũng vậy, theo tôi nên đánh giá khách quan lại toàn bộ các cuốn sách, cuốn nào lạc hậu, nặng nề thì thay ngay, cuốn nào còn dùng được thì để dùng. Rồi khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm sách mới để thay thế dần. Chứ thay một lúc toàn bộ sách thì tốn kinh phí mà cũng không đủ thời gian để làm ra được những bộ sách tốt”, ôngThuyết nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng băn khoăn có nên đưa vào Nghị quyết số tiền dự toán gần 800 tỷ đồng không, hay chỉ nên phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt. Bởi nếu chốt 800 tỷ đồng, sau này thực tế thực hiện tăng lên thành vài nghìn tỷ đồng thì không biết tính như thế nào. "Bộ Giáo dục cần nghiên cứu xem kinh phí có nên chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hàng năm Chính phủ duyệt để làm", Chủ tịch Quốc hội góp ý. |
Hoàng Thuỳ