Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill đã mời 1.000 quân nhân và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu tới dự một buổi lễ mừng ngày quốc khánh 4/7 tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng. Tổng thống Biden cho biết ông đang truyền thông điệp về "một mùa hè của niềm vui và tự do".
Biden sẽ tới thăm thành phố Traverse, bang Michigan, vào ngày 3/7 trong khuôn khổ chuỗi hoạt động mà Nhà Trắng gọi là lễ kỷ niệm "Nước Mỹ trở lại cùng nhau". Tham gia cùng ông trong nỗ lực này còn có Đệ nhất phu nhân Jill, vợ chồng Phó tổng thống Kamala Harris cùng hàng loạt quan chức nội các khác, những người sẽ dự các sự kiện lễ hội, diễu hành và cuộc thi nấu ăn trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng lo sợ rằng những cuộc ăn mừng xuyên quốc gia, bao gồm cả bữa tiệc tại Nhà Trắng với chủ đề tự do, sẽ gửi đi một thông điệp sai lầm trong bối cảnh người dân thực tế vẫn chưa thể thoát hoàn toàn khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19.
"Chúng ta vẫn ở giữa cuộc đua marathon", tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nashville, Tennessee, nói. Dù Mỹ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 trong vài tháng gần đây, còn quá sớm để "giăng biểu ngữ 'nhiệm vụ hoàn thành'".
Truyền thông điệp đất nước đang vượt qua đại dịch là một nhiệm vụ đòi hỏi sự tinh tế của Tổng thống Biden và các đồng minh đảng Dân chủ, khi họ phải vừa thận trọng với việc mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế, vừa khơi gợi và dẫn dắt tinh thần quốc gia đi đúng hướng.
Báo cáo về thị trường lao động ngày 2/7 khá hứa hẹn, cho thấy đã có thêm 850.000 việc làm trong tháng 6, song nền kinh tế Mỹ còn rất lâu nữa mới "hồi sinh". Phe Cộng hòa đổ lỗi cho chính sách tăng trợ cấp thất nghiệp vì đại dịch khiến mọi người không muốn quay lại làm việc, qua đó kìm hãm đà phục hồi.
Những hỗ trợ này sẽ kết thúc vào tháng 9 và Tổng thống Biden đang đối mặt áp lực phải hiện thực hóa những kết quả tích cực thể hiện đà tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia.
Nhằm thuyết phục người dân Mỹ rằng Tổng thống Biden đang khôi phục trật tự trước đại dịch, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ tuần qua phát hành một quảng cáo truyền thông điệp lạc quan mang tên "Nước Mỹ trở lại". Họ cũng triển khai một chiếc xe buýt mang thông điệp trên đi khắp đất nước và phát kem miễn phí. Chiếc xe dán hình Tổng thống Biden và dòng khẩu hiệu "Tiêm vào bắp, nhận séc ở ngân hàng, việc làm trở lại và kem trên tay".
Nhưng những thông điệp lạc quan, vui vẻ lại gợi cảm giác chua chát với không ít người. Trong các cuộc phỏng vấn, gia đình của nhiều nạn nhân Covid-19 cho biết họ thấy rất chạnh lòng khi nghe Tổng thống Biden nói rằng đất nước đang trở lại bình thường. Với họ, cuộc sống vẫn tràn ngập buồn đau.
"Không có gì trở lại bình thường đối với chúng tôi", Sabila Khan, 42 tuổi, đến từ thành phố Jersey, bang New Jersey, cho hay. "Thật chua xót khi nghe những lời kêu gọi vượt qua tất cả của chính phủ. Chúng tôi vừa mất đi người thân. Chúng tôi không bao giờ vượt qua được điều này".
Giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden không bao giờ tuyên bố chiến thắng hay "hoàn thành nhiệm vụ" mà ông đơn giản chỉ muốn ghi nhận những thành quả mà nước Mỹ đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19 kể từ khi ông nhậm chức.
Nhằm ứng phó với làn sóng lây lan biến chủng Delta, chính quyền đang cử các "đội phản ứng Covid-19" đến những cộng đồng có nguy cơ cao, Jeffrey D. Zients, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, nói với phóng viên hôm 1/7.
"Ngày 4/7 là thời điểm mà chúng ta tạm nghỉ ngơi để chúc mừng những tiến bộ của mình", Zients nói nhưng thêm rằng "vẫn còn rất nhiều việc phải làm".
Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong nỗ lực chống dịch kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức ngày 20/1 với lời cảnh báo rằng "mùa đông đen tối" đang ở phía trước. Theo cơ sở dữ liệu của báo New York Times, số ca nhiễm mới hàng ngày đang giữ ổn định ở 12.000, giảm từ mức khoảng 200.000 cách đây gần 6 tháng.
Lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, Mỹ báo cáo trung bình chưa đầy 300 ca tử vong mới mỗi ngày, giảm 20% so với hai tuần trước. Tỷ lệ nhập viện cũng giảm mạnh.
Song những tiến bộ này lại không đồng đều, với phần lớn các ca nhiễm xuất hiện tập trung chủ yếu ở một vài điểm nóng, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Las Vegas, vùng nông thôn Utah, Arkansas, thành phố Cheyenne, bang Wyoming và khu vực dãy núi Ozark, bang Missouri, là những nơi đang ghi nhận tín hiệu gia tăng ca nhiễm.
Dù đường cong dịch tễ của Mỹ đang được làm phẳng, giới chuyên gia hiện chưa thể biết chính xác nó sẽ phát triển theo hướng nào.
"Nếu nhìn vào vài tuần trước, hầu hết các biểu đồ dự đoán đều đi xuống, giống như chúng ta đang bơi thẳng đến mùa hè vậy", Lauren Ancel Meyers, nhà dịch tễ học tại Đại học Texas ở Austin, cho hay. "Những biểu đồ dự đoán này hiện ở dạng phẳng... Chúng tôi không chắc điều gì sẽ xảy ra".
Một số thống đốc bang đang lên kế hoạch dỡ bỏ các lệnh khẩn cấp về y tế công cộng trong vài tuần tới. Maryland và Virginia hôm 1/7 đã bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang cùng các biện pháp hạn chế khác.
Nhưng tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố dưới thời cựu tổng thống Donald Trump vẫn còn hiệu lực tới cuối tháng 7 và Nhà Trắng đã nói với các thống đốc rằng Tổng thống Biden muốn gia hạn nó.
Chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra rầm rộ, với khoảng một triệu mũi tiêm mỗi ngày. Tổng thống Biden từng hy vọng đến ngày 4/7, sẽ có 70% người trưởng thành Mỹ được tiêm ít nhất một mũi vaccine, nhưng Nhà Trắng tháng trước thừa nhận họ không thể đạt được mục tiêu này. Khó khăn nhất hiện nay đối với nhà chức trách là tìm cách thuyết phục những nhóm hoài nghi, mang tâm lý bài vaccine, chấp nhận đi tiêm.
Mặt khác, giới chuyên gia còn lo ngại nếu biến chủng Delta tiếp tục lây lan, nó sẽ đột biến và lách được lớp bảo vệ của ngay cả những người đã tiêm chủng. Điều này dường như đã xuất hiện ở một số nơi. Ngay cả các quốc gia như Israel hay Hàn Quốc, những nơi từng kiểm soát thành công virus, nay cũng phát sinh những ổ dịch mới.
"So với nhiều nước khác, chúng ta đang ở vào tình huống an toàn hơn đáng kể", tiến sĩ Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, nhận xét. "Nhưng tôi thực sự lo lắng rằng trong lúc tận hưởng bầu không khí tự do, chúng ta sẽ quên đi phần còn lại của thế giới và nó sẽ tấn công ngược lại chúng ta".
Khi Tổng thống Biden hồi tháng 5 công bố về kế hoạch tiêm chủng cho 70% người trưởng thành vào ngày 4/7, ông khẳng định việc đạt được mục tiêu này sẽ chứng tỏ rằng Mỹ đã "đi một bước nghiêm túc hướng tới trở lại cuộc sống bình thường".
Biden lúc bấy giờ lạc quan rằng người Mỹ không lâu nữa sẽ có thể tụ tập ở sân sau để cùng nhau dự một bữa tiệc nướng nhỏ mừng ngày quốc khánh. Bữa tiệc 1.000 khách của Biden tại Nhà Trắng dường như nhằm cho thấy nước Mỹ do ông điều hành về mặt nào đó đã vượt qua các kỳ vọng ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng đang chững lại.
Khi Biden nhiều lần nói về việc "thoát khỏi virus", tiến sĩ Arthur L. Caplan, giám đốc bộ phận y đức Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York, cho rằng Tổng thống nên "thận trọng" về ngôn từ.
"Trước khi ra ngoài ngắm pháo hoa và nhâm nhi ly cocktail piña coladas trên hiên Nhà Trắng, tôi sẽ nói 'với tư cách tổng thống, tôi phải làm rõ rằng chúng ta vẫn còn những thách thức lớn chưa được giải quyết'", Caplan cho hay. "Tôi sẽ nói 'Chúng ta đang làm tốt với một nửa chặng đường'".
Nhưng theo nhà dịch tễ học hàng đầu Mỹ Anthony S. Fauci, không có bất kỳ mâu thuẫn nào trong thông điệp của chính quyền.
"Bạn vẫn có thể ăn mừng nếu bạn nhận thức được hoàn toàn rõ ràng thông điệp", ông nói, thêm rằng thông điệp của Nhà Trắng lâu nay vẫn không đổi. "Nếu đã tiêm vaccine, bạn có mức độ bảo vệ cao. Nếu chưa tiêm, bạn cần đeo khẩu trang và nên cân nhắc nghiêm túc về việc tiêm chủng".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)