Nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh. Các chuyên gia cảnh báo việc nới lỏng quá sớm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
"Làn sóng tiếp theo ở châu Âu đã bắt đầu", tiến sĩ Eric Topol, nhà sáng lập kiêm giám đốc của Viện Nghiên cứu Tịnh tiến Scripps, đăng trên Twitter hôm 12/3.
Châu Âu tuần qua ghi nhận thêm hơn 4,8 triệu ca nhiễm, tăng 7% so với tuần trước đó, theo thống kê của Worldometer. Ca nhiễm ở châu Âu gia tăng một tháng sau khi nhiều nơi bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa Covid-19 như không bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Ngoài ra, sự xuất hiện của "biến thể Omicron tàng hình" BA.2, biến thể phụ có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể Omicron ban đầu, đang là một mối lo ngại tại châu Âu. Các chuyên gia dự đoán châu Âu có thể là nơi khởi đầu của làn sóng Covid-19 thứ 6.
Tiến sĩ Stephen Griffin, nhà virus học tại Đại học Leeds, Anh, nhận định việc nới lỏng giám sát Covid-19 sẽ làm chậm khả năng ứng biến của nước với các đợt lây nhiễm trong tương lai.
"Đây có thể là một chính sách phớt lờ thực tế rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và chúng ta đang ở trong một tình thế biến động liên quan tới khả năng miễn dịch chống lại nCoV và sự tiến hóa của virus", Griffin nói.
"Hiện rất khó để xác định được nguyên nhân các ca nhiễm gia tăng gần đây, do nới lỏng các hạn chế, do khả năng lây nhiễm của BA.2 hay miễn dịch vaccine suy yếu", tiến sĩ Topol nói.
Tính tới ngày 10/3, Iceland ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu trong tuần, với 4.803 ca dương tính trên 100.000 người. Hà Lan ghi nhận 2.667 ca trên 100.000 người. Theo World Ometers, châu Âu đã ghi nhận hơn 165 triệu ca nhiễm và hơn 1,7 triệu ca tử vong do Covid-19.
Đức Trung (Theo Forbes/Guardian)