Tập đoàn điện lực và năng lượng Kansai dự kiến tái khởi động lò phản ứng số ba tại nhà máy điện hạt nhân Mihama, tại tỉnh Fukui, phía tây Nhật Bản, vào ngày 23/6. Lò phản ứng đã được xây dựng từ 44 năm trước, vượt quá quy định 40 năm vận hành theo tiêu chuẩn.
Kể từ thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011, Nhật Bản chưa tái khởi động lò phản ứng hạt nhân nào có tuổi đời cao đến vậy. Đơn vị vận hành phải xin giấy phép đặc biệt để gia hạn thời gian hoạt động của lò phản ứng sau khi vượt quá tuổi thọ tiêu chuẩn.
Tatsujiro Suzuki, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng Nguyên tử thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, công khai hoài nghi quy trình cấp phép tái khởi động lò phản ứng số ba của nhà máy Mihama. Ông cho rằng quá trình cấp phép này thiếu minh bạch và có dấu hiệu tập đoàn Kansai đã sử dụng các hình thức trợ cấp khác nhau để thuyết phục người dân địa phương chấp thuận cho lò phản ứng được tái khởi động.
Theo Suzuki, ngành công nghiệp điện và chính phủ Nhật vẫn chưa rút được bài học từ thảm họa Fukushima. Tập đoàn điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, từng xem nhẹ nguy cơ sóng thần, dẫn đến thiếu các biện pháp bảo vệ cần thiết cho hệ thống làm mát lò phản ứng.
Thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 đã làm hư hỏng hệ thống làm mát, khiến lò phản ứng tan chảy và gây ra các vụ nổ, làm rò rỉ phóng xạ ra môi trường mà đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Theo Suzuki, một số quan chức Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã đến thăm tỉnh Fukui, nơi có nhà máy điện hạt nhân Mihama, 110 lần trong hai năm qua. Cơ quan này vốn giữ lập trường ủng hộ dùng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện cho đất nước.
METI sau đó đã duyệt khoản trợ cấp 23 triệu USD cho Fukui trước khi thống đốc tỉnh tán thành tái khởi động lò phản ứng hạt nhân. Bộ này xác nhận đã duyệt các khoản trợ cấp cho tỉnh Fukui vào tháng 4, nhưng nói rằng những chuyến thăm của quan chức trực thuộc bộ đến Fukui chỉ nhằm "trao đổi quan điểm".
Kiyoshi Kurokawa, cựu lãnh đạo cuộc điều tra Fukushima, lưu ý thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 thực chất là "nhân tai", hệ quả của tâm lý đặt lợi ích tổ chức lên trên trách nhiệm cộng đồng. Ông cho rằng tâm lý này vẫn tồn tại ở Nhật Bản và bày tỏ lo ngại về dự án ở Mihama, khi trách nhiệm giám sát và xử lý sai phạm của các tập đoàn vẫn chưa được đề cao.
Trung Nhân (Theo Reuters)