Theo Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3/2024, trần giá vé máy bay nội địa với đường bay từ 500 km trở lên sẽ tăng. Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng, tăng 50.000 đồng; đường bay 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng, tăng 100.000 đồng. Đường bay 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng, tăng 200.000 đồng và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng, tăng 250.000 đồng.
Vé phổ thông trên các đường bay khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng (đường bay phát triển kinh tế - xã hội) và 1,7 triệu đồng với các đường bay khác, giữ nguyên so với quy định hiện hành.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói khách du lịch thuộc nhóm đối tượng "nhạy cảm về giá". Điều này thể hiện rõ qua tình trạng "khan khách" của du lịch Phú Quốc và nhiều điểm đến nội địa trong suốt năm nay. Kịch bản này có thể tái diễn trong năm tới nếu giá vé máy bay tiếp tục tăng.
Ông Đạt phân tích trong giai đoạn thấp điểm, các hãng hàng không sẽ phải cân đối giá để cạnh tranh nên việc tăng giá trần vé máy bay không tác động nhiều. Tuy nhiên, vào cao điểm, nhu cầu đi lại tăng cao, bao gồm cả nhu cầu du lịch lẫn thăm thân, người mua vé những chặng dài sẽ tốn nhiều tiền hơn.
Dữ liệu phòng vé máy bay từ Best Price chỉ ra trung bình giá vé máy bay tháng 6/2024 có thể tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023 ở một số chặng. Ví dụ, chặng Hà Nội - Phú Quốc tăng từ 1,3 triệu đồng lên 2,2 triệu đồng; chặng Hà Nội - Nha Trang tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng. Khảo sát này dựa trên mức giá thấp nhất tìm thấy trong giai đoạn.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Kinh doanh của Best Price, cho biết các chặng bay có thể bị ảnh hưởng lớn gồm Hà Nội - TP HCM, TP HCM - Hà Nội, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Cần Thơ, Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Côn Đảo, Hà Nội - Quy Nhơn, TP HCM - Huế, TP HCM - Vinh. Ngoài đường bay trọng điểm giữa Hà Nội và TP HCM, đa số là đường bay còn lại đến các điểm du lịch "hot" trong nước.
"Tôi nghĩ du khách bay từ Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất", ông Đạt nói. Hiện tại, giá vé máy bay chiếm 30-40% chi phí sản phẩm tour, combo du lịch. Với việc tăng giá trần, ông Đạt ước tính chi phí này chiếm tới 50-60% giá tổng, khiến khách e dè khi di chuyển bằng đường hàng không.
Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Du lịch Việt, cũng chung lo ngại và nhấn mạnh du khách từ TP HCM cũng chịu ảnh hưởng lớn. Hiện nay, khách hàng của công ty có nhu cầu lớn với tuyến TP HCM hoặc các tỉnh Nam Bộ đến những địa phương Đông hoặc Tây Bắc, đặc biệt là Điện Biên. Trong thời gian tới, giá "kịch khung" của chặng TP HCM đi Điện Biên có thể cao tới 8 triệu đồng khứ hồi, đắt hơn cả một tour TP HCM đi Thái Lan 5 ngày giá 7,5 triệu đồng. Con số này còn chưa bao gồm chi phí ăn, chơi, lưu trú.
"Nếu người dân vì giá vé máy bay cao quyết định không đến, địa phương sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, không riêng công ty lữ hành", bà Phương Anh nói.
Đại diện Du lịch Việt nói thêm trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng giá trần sẽ giúp bổ sung chi phí cho các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Chung quan điểm, đại diện AZA Travel nói thêm các lo ngại về việc du lịch nội địa đói khách là dự đoán của các công ty lữ hành trong trường hợp hãng hàng không tận thu. Nếu phía hàng không đưa ra mức giá hợp lý, mọi thứ sẽ vẫn ổn.
"Tôi mong các hãng hàng không đưa ra mức giá hợp lý ở từng thời điểm để cung cầu hài hòa", ông Đạt nói.
Tú Nguyễn