Thứ hai, 10/2/2025
Thứ bảy, 7/1/2023, 06:10 (GMT+7)

Lò nặn bếp Táo Quân ở ngoại thành Sài Gòn

Cận Tết, xưởng làm bếp đất của ông Nguyễn Văn Mạnh, ở huyện Bình Chánh tất bật làm việc để kịp phục vụ khách ngày Tết ông Táo.

Khoảng một tháng trước Tết, xưởng làm bếp lò đất của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh bắt đầu vào vụ cao điểm phục vụ Tết.

Giữa trưa nắng, ông Mạnh cùng thợ đều đặn đổ đất sét vào khuôn, nhanh tay xoay vài vòng để tạo hình bếp rồi đem phơi. Ông kể, hơn nửa thế kỷ trước ở quận 8 có xóm Lò Gốm, chuyên làm bếp đất, gạch, chén đĩa... nhộn nhịp. "Hơn chục năm nay chỉ còn vài hộ theo nghề này", ông Mạnh, 62 tuổi, nói.

Đời ông nội và cha ông chuyên làm gạch. Đến những năm 1980 thì chuyển sang làm bếp đất. Khoảng năm 2005, khu Lò Gốm giải toả để xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt, lò của ông dời về đây.

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) là ngày "vua bếp" lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn và cư xử của gia đình trong năm. Ngoài cúng lễ, nhiều gia đình nhân dịp này thay luôn mấy "ông Táo" (bếp lò) đã sứt mẻ.

Phần thân bếp sau một ngày phơi nắng, đạt độ cứng nhất định sẽ được gắn ba chân rồi tiếp tục đem phơi.

"Gắn ba chân là một công đoạn quan trọng để tạo nên hình thù bếp. Đất sét thường lấy ở ruộng đồng, ao nuôi cá, tôm... của người dân trong vùng. Loại này phải trộn thêm tro trấu để dẻo và mịn hơn nên thường có màu đen đặc trưng", ông Mạnh giải thích.

Bếp trước khi vào lò nung phải phơi từ 3 đến 5 ngày cho khô hẳn. Xen kẽ giữa các lần phơi phải ủ bằng bạt cho thành phẩm cứng đều từ trong ra ngoài.

Xưởng của ông Mạnh có khoảng 10 thợ, mỗi người làm một công đoạn khác nhau.

Ông Hoa, một người thợ, dùng dao cắt gọt, tạo hình sản phẩm cho đẹp mắt. "Làm ra một chiếc lò phải trải qua 20 công đoạn, từ chọn đất, nặn tạo hình đến nung và gia cố sản phẩm. Tất cả đều làm bằng tay", người đàn ông hơn 20 năm theo nghề này cho biết.

Lò nung liên tục trong 35 tiếng bằng trấu, vỏ dừa khô... Một tháng cơ sở của ông Mạnh nung hai đợt, mỗi lần khoảng 1.000 sản phẩm.

Ở một góc sân, hàng trăm chiếc vỉ, dụng cụ để đặt vào lòng bếp lò được tạo hình và phơi khô.

Để tăng độ bền cho "bếp Táo Quân" xưởng còn bọc vỏ cho bếp lò bằng khuôn thiếc. Có 5 loại vỏ theo kích cỡ bếp, một số được đặt gia công còn hầu hết do xưởng tự sản xuất. "Việc bọc vỏ giúp bếp không bị vỡ khi nấu hoặc đặt xoong nồi quá nặng lên", ông Cao Văn Năm nói.

Cạnh đó, bà Xuân "mặc áo" cho những chiếc bếp lò. Người thợ sẽ đóng thêm đinh để gia cố cho vỏ không bị bung ra.

Ông Mạnh lựa chọn những chiếc bếp thành phẩm để xuất xưởng. Mỗi ngày, lò của ông hoàn thiện khoảng 100 bếp, giá bán sỉ từ 50.000 đến 250.000 đồng một chiếc, tùy kích cỡ.

Những chiếc bếp ông Táo được xếp lên ghe để mang đi tiêu thụ. Phần lớn thương lái đến từ tỉnh Bình Dương, mua sỉ rồi phân phối khắp cả nước.

Một ghe khác chuyên chở đất sét thô mang về lò để tưới nước, ủ, trộn tro trấu... để ra nguyên liệu nặn bếp. Trung bình, mỗi ngày lò tiêu thụ khoảng 2 m3 đất.

Xưởng nặn bếp đất của ông Mạnh có diện tích 5.000 m2, nằm cạnh sông Cần Giuộc. "Sau hai năm khốn khó vì dịch Covid-19 thì mùa Tết này tình hình buôn bán ổn, bạn hàng lại tấp nập tìm về. Dù không bằng thời hoàng kim nhưng hiện bếp đất vẫn được ưa chuộng, nhất là vào dịp cận Tết", chủ lò cho biết.

Bếp ông Táo
 
 

Quỳnh Trần