Ở Việt Nam, chưa có ca lở mồm long móng trên người nào được khẳng định. Trên thế giới, trong vòng 200 năm qua chỉ phát hiện được khoảng 40 ca. Trường hợp đầu tiên được mô tả xảy ra vào năm 1834, ở 3 bác sĩ thú y người Mỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Phó cục trưởng cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, virus lở mồm long móng là loại virus chuyên gây bệnh cho động vật; rất khó lây cho người; tương tự như virus cúm gia cầm trước đây chỉ dễ truyền cho gia cầm mà thôi. Nhưng khác với cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng nếu truyền sang người thì bệnh cảnh cũng rất nhẹ, chỉ sốt nhẹ, sốt, có các vết loét ở miệng, tay chân. Bệnh không nguy hiểm, không đe dọa tính mạng người bệnh và thường tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, để phòng ngừa, người dân cũng nên có sự bảo vệ khi tiếp xúc với gia súc bị lở mồm long móng, chẳng hạn mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ.
Các chuyên gia trên thế giới cũng có quan điểm tương tự về khả năng lây bệnh lở mồm long móng sang người. Theo Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Chính phủ Anh, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc với con vật bị nhiễm bệnh, việc ăn thịt hay uống sữa tiệt trùng không có nguy hiểm gì. Tại nước này, chỉ một ca lở mồm long móng trên người duy nhất được phát hiện vào năm 1996, đó là ông Bobby Brewis, ngã bệnh vào tháng 7/1966. Bệnh khỏi sau vài tuần, rồi tái phát sau 1 tuần và 5 tháng, nhưng không gây nguy hiểm gì.
Thanh Nhàn