14h30 ngày 2/6, cánh cửa lớp học của một trung tâm luyện thi đại học có tiếng tại phố Lê Thanh Nghị khoá kín. Bên ngoài, tấm biển thông báo "14h-17h hôm nay lớp Văn cấp tốc..." được treo ở vị trí dễ nhìn, nhưng không có người trực tư vấn, giới thiệu như trước đây. Người trông xe tại khu nhà này cho biết, không thấy học sinh nào đến ôn. "Năm nay vắng học sinh lắm. Trung tâm do đó cũng mở cửa thất thường", người bảo vệ nói.
Phố "luyện thi cấp tốc" trên đường Tạ Quang Bửu mỗi năm lại thêm đìu hiu, lớp vắng, nhiều trung tâm vẫn treo biển tuyển sinh nhưng cửa đóng then cài. 'Lò' luyện thi có tiếng tại phố Chùa Bộc năm nay khai giảng lớp "tổng ôn" khá muộn so với mọi năm vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, vẫn có những phòng học với sức chứa 200-300 người mở cửa bỏ không. Hai trung tâm luyện thi cạnh Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi) đã khai giảng từ tháng 4-5 nhưng đến nay chỉ lèo tèo 5-6 em/lớp.
Không khí ảm đạm cũng bao trùm các trung tâm luyện thi đại học cấp tốc tại Đại học Sư phạm Hà Nội và các ngõ xung quanh. Tại một "lò" luyện, lớp đông nhất cũng chỉ có chừng 20 em, ôn Toán, tiếng Anh. Các môn thi khối C như Sử, Địa vắng người học đến nỗi trung tâm không mở lớp được.
"Năm nay lò luyện cấp tốc nào cũng vắng người học thê thảm. Học sinh tỉnh lẻ không còn lên Hà Nội ôn tập nữa, bởi ở quê vẫn có điểm thi đại học và đề năm nay cũng khác đi", người phụ nữ trực ngoài cửa trung tâm luyện thi trong ngõ đường Nguyễn Trãi than thở.
Để bù lại chi phí trả lương cho giáo viên, tiền thuê mặt bằng, các trung tâm luyện thi đẩy giá học lên 50.000-80.000 đồng/ca học trong một tiếng rưỡi, thay vì 25.000-30.000 đồng như các năm trước.
Chia sẻ với VnExpress, nhiều học sinh lớp 12 cho hay không chuộng lò luyện thi cấp tốc ở Hà Nội bởi ám ảnh lớp đông, nóng nực. Quan trọng nhất, do cách thi năm nay thay đổi, đề minh họa với cấu trúc và mức độ khó - dễ hợp lý khiến các em yên tâm ôn luyện với thầy cô giáo quen của mình.
Với các học sinh thủ đô, việc ôn thi đại học đã diễn ra từ năm cuối lớp 11, thậm chí sớm hơn. Địa chỉ yêu thích của các em là lớp học tại nhà của một số thầy cô có tiếng với số học sinh hạn chế 10-20 người. "Như thế chúng em học thoải mái hơn và có nhiều cơ hội được thầy giáo chỉ dẫn tận tình", Thu Hà (THPT Yên Hoà) nói. Nữ sinh này theo 2 lớp luyện Toán, Văn ở nhà riêng của thầy giáo và lớp tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ.
Hầu hết trường THPT ở Hà Nội và tỉnh thành đều mở lớp ôn thi và được nhiều học sinh trong trường đăng ký tham gia. "Lớp em chẳng ai xuống Hà Nội ôn đại học vì nhà trường có tổ chức lớp luyện thi rồi", Phương Thảo (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) nói.
Minh Anh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho hay, 43 bạn học cùng lớp em đều học ôn với các thầy cô ở trường cấp 3 chứ không lên thành phố hay thủ đô luyện đại học. Theo nữ sinh thi khối A này, nếu đề thi quốc gia sắp tới có mức độ khó - dễ như đề minh họa đã công bố, em khó lấy được điểm 9-10, nhưng 7- 8 điểm thì có thể. Đề Ngữ văn và tiếng Anh tuy hơi khó song kiến thức vẫn tập trung trong chương trình THPT nên em yên tâm ôn tập với giáo viên trường nhà.
Hà Phương (THPT chuyên Tự nhiên Hà Nội) chọn cách tự ôn vì: "Đến giai đoạn này chủ yếu là luyện đề thôi. Đi học cũng chỉ học lại những kiến thức đã được dạy trong trường".
Từ ngày 1 đến ngày 4/7 sắp tới, các học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và vào đại học, cao đẳng. Học sinh phải thi 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và một môn tự chọn trong số môn còn lại gồm: Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa.
Để xét vào đại học, ngoài 4 môn thi trên, thí sinh phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp môn thi để xét tuyển sinh do trường đại học, cao đẳng quy định. Có 38 cụm thi liên tỉnh được phân bổ đều trên cả nước, đảm bảo cho thí sinh đi lại thuận lợi nhất.
Quỳnh Trang