Hè vừa rồi, chồng chị Nhung (Ba Đình, Hà Nội) phải đi nước ngoài công tác, chị lại đang nghỉ việc do công ty làm ăn thua lỗ nên hai vợ chồng quyết định cho cô con gái vừa học xong lớp một cùng đi, coi như chuyến du lịch dài của cả nhà. Suốt gần hai tháng Nhím không hề đụng đến sách vở, theo chân bố mẹ đi thăm thú hết điểm du lịch nọ đến siêu thị, cửa hàng kia.
Về nước cách đây một tuần, chị Nhung mới cùng con dọn dẹp góc học tập và mang sách ra ôn lại bài cũ. Chị không ngờ, con gái chỉ nhớ vài chữ cái đơn giản, những vần phức tạp hay phải đọc cả câu là cô bé ngồi thừ ra, không biết làm thế nào. Hai mẹ con đánh vật cả buổi chiều mà tình hình vẫn không cải thiện. Mẹ thì đau đầu, lo lắng đâm cáu gắt. Con thấy thái độ của mẹ càng sợ nên cuống thêm.
Cũng chung tình trạng này, chị Hiền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang đôn đáo tìm gia sư kèm con vì thấy cậu quý tử sắp lên lớp 3 mà chẳng làm nổi phép cộng đơn giản sau kỳ nghỉ xả lảng.
![]() |
Được thường xuyên xem lại bài cũ sẽ giúp trẻ không bị quên hoàn toàn các kiến thức đã học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vốn nghĩ với trẻ nhỏ, không nên để việc học hành trở thành áp lực, kỳ nghỉ hè vừa rồi, chị quyết định cho Bin được "xả hơi" hoàn toàn. Chị không cho con đi học hè, mà thời gian ấy, Bin hết đi nghỉ mát cùng bố mẹ, lại về quê chơi với ông bà nội, ngoại rồi tham gia lớp học vẽ... Chị nghĩ, kiến thức lớp 2 cũng chẳng có gì, mỗi đọc, viết, rồi các phép cộng trừ, nhân chia đơn giản nên chỉ cần trước khi đi học ôn lại vài buổi cho con là được nên chẳng nhắc nhở con xem lại bài vở.
Mới đây, khi Bin bắt đầu có lịch tập trung, chị mới hướng dẫn con ôn luyện kiến thức cũ, ai dè, mẹ giao một một phép tính đơn giản là 2+5 bằng mấy mà cậu con trai cũng ngồi nghĩ mãi không ra. Các phép tính phức tạp hơn thì cậu bé vò đầu bứt tai mà chẳng có đáp án.
Lo lắng con sẽ không thể theo kịp chúng bạn khi vào năm học mới, chị Hiền phải cấp tốc tìm gia sư để ôn lại cho con những kiến thức cũ.
Cô giáo Phạm Thúy Lan, trường Tiểu học Chu Văn An Hà Nội cho biết, vào đầu năm học mới, chuyện học trò rơi rụng kiến thức và cô giáo phải vừa dạy bài mới vừa ôn lại bài cũ cho các cháu là rất phổ biến. Tuy nhiên, thông thường, học sinh chỉ quên một số kiến thức khó hoặc mất nhiều thời gian làm bài hơn do chưa quen nếp tư duy, chứ ít khi "bộ nhớ" bị xóa sạch. Những trường hợp đó, chủ yếu do bình thường khả năng học của trẻ đã chậm hơn các bạn, cộng thêm bố mẹ lơ là, quên hẳn việc kèm cặp con trong dịp hè.
Theo cô Lan, thường, khi tổng kết năm học, bao giờ cô giáo cũng nhắc nhở phụ huynh giúp con ôn lại bài vở trong thời gian nghỉ hè. Theo cô, trẻ có thể không cần học thêm, nhưng bố mẹ nên tranh thủ dành thời gian tuần 2-3 buổi tối cùng con xem lại các bài đã học. Phụ huynh có thể giúp trẻ củng cố khả năng đọc bằng cách chọn những truyện ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, phù hợp cho trẻ đọc thêm hoặc rèn môn toán cho con bằng cách ra các bài tập đơn giản để bé giải rồi chơi trò cùng chấm điểm...
Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia đầu ngành về tâm lý giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi thấy con quên hết các kiến thức cũ sau thời gian nghỉ hè. Theo ông, đó là điều hết sức bình thường, bởi quy luật ghi nhớ của trẻ là được nhắc đi nhắc lại, nếu bỏ bẵng một thời gian, các kiến thức sẽ bị quên lãng. Tuy nhiên, chỉ cần một khoảng thời gian ngắn, thường là 2-3 tuần được củng cố, trẻ sẽ nhớ lại hết những nội dung đã được học.
Ông Khanh cho rằng, để con vẫn được vui chơi mà không rơi vào tình trạng "tái mù chữ" sau đợt nghỉ, trong hè, bố mẹ nên thường xuyên giúp con ôn lại kiến thức bằng cách lồng những bài học này vào các trò chơi hay những sinh hoạt gia đình để trẻ cảm thấy thoải mái, hứng khởi. Ông cho rằng, ngay cả khi sắp vào năm học mới, nếu thấy trẻ bị sao nhãng kiến thức cũ, bố mẹ cũng không nên ép con phải ráo riết ôn luyện. Vì như thế chỉ làm trẻ sợ việc học và có tâm lý không tốt khi bước vào năm học mới. "Tốt hơn là hãy cùng con xem lại các bài học cũ mỗi hôm một ít, cùng trẻ chuẩn bị đồ dùng học tập và có một tâm lý thật hứng khởi khi tựu trường", ông Khanh nói.
Minh Thùy