Theo con số mới công bố của Bộ Công thương thì ở Việt Nam có đến 1 triệu người bán hàng đa cấp. Một triệu người là con số không hề nhỏ, nhất là sau hàng loạt bài báo phanh phui tình hình làm ăn lừa đảo của một số công ty đa cấp ở Việt Nam thời gian qua.
Một triệu người, tức là 1/90 của dân số nước ta. Tức là trong số 90 người ta gặp thì ít nhất có một người bán hàng đa cấp. Trong danh sách bạn bè của chúng ta hay trong danh bạ điện thoại, ít nhất cũng phải có vài chục người, vậy nếu tính theo tỷ lệ này thì nguy cơ có bạn là người bán hàng đa cấp không hề nhỏ.
Nhiều công ty đa cấp ở nước ta bị coi là lừa đảo, nếu nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra thì điều này không quá khó hiểu. Bán hàng đa cấp ở nước ngoài là một phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại và rất phát triển nhưng không hiểu sao loại hình kinh doanh này ở Việt Nam lại bị gắn với sự lừa đảo, tai tiếng.
Về mặt định nghĩa, kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng là “việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau” (theo Điều 3- Luật Cạnh tranh 2005).
Theo lý thuyết, người tham gia, vừa là khách hàng của công ty (bước đầu tham gia), vừa là một thành phần của công ty đó (sau khi đã tham gia). Hưởng lợi của người tham gia là từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được (do bản thân mình, hoặc người cấp dưới).
Nếu chỉ xét ở khía cạnh khái niệm và nếu các công ty kinh doanh đa cấp cũng tuân thủ đúng theo định nghĩa này thì đã không có chuyện gì để nói. Quan trọng là giữa lý thuyết và thực tế là cả một khoảng cách xa vời. Nếu các công ty bán hàng đa cấp chỉ cạnh tranh với nhau về giá và chất lượng sản phẩm chứ không phải là việc kiếm lợi nhuận từ những người tham gia đa cấp thì đây cũng là một loại hình kinh doanh bình thường thôi.
Tuy nhiên, nhiều công ty đa cấp ở ta lại không làm như vậy. Thứ nhất, họ không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ giỏi trong việc đánh vào lòng tham của đa số dân chúng. Làm giàu và làm giàu thật nhanh, thật dễ dàng mà không mất công sức gì luôn là câu được những thủ lĩnh tiêm nhiễm cho các tân binh khi gia nhập. Các công ty bán hàng đa cấp thường đánh vào tâm lý này của đám đông, người nào bị lóa mắt bởi đồng tiền thì lý trí sẽ bị làm mờ đi và không thể nào minh mẫn nữa.
Những ai đã từng đi nghe những buổi diễn thuyết để lôi kéo thêm người của các công ty đa cấp mới thấy sức mê hoặc khủng khiếp từ lời nói của các "chuyên gia" này.
Họ không giới thiệu về sản phẩm mới hay các tính năng ưu việt mà quan trọng nhất là phần giới thiệu về các tấm gương làm giàu nhanh chóng sau khi mới vào công ty được vài tháng. Từ những người ở quê ra tỉnh, họ nhanh chóng trở thành những người thành đạt trong xã hội với mức thu nhập lên tới vài nghìn đô một tháng.
Thu nhập cao thế vậy mà toàn người ở nhà trọ, đi xe Wave Trung Quốc, rồi dùng điện thoại toàn 1100 với 1200. Thật là giản dị quá, mọi người đừng tin vào những lời này, toàn là lừa đảo thôi. Làm giàu nhanh mà không mất công sức như vậy thì cả thế giới này đã làm rồi, chứ không đến lượt mình.
Thứ hai, lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng đa cấp. Đây chính là điểm khác nhất giữa bán hàng đa cấp ở Việt Nam so với các quốc gia khác. Bán hàng hay kinh doanh ở bất cứ đâu thì lợi nhuận cũng đều phải từ sản phẩm bán được.
Tuy nhiên nhiều công ty ở Việt Nam thì chỉ cần có nhiều người tham gia mạng lưới đa cấp là được. Khi mới tham gia thì họ sẽ bắt nộp tiền ký quỹ và các loại lệ phí tham gia. Đây chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp chứ không phải doanh số bán hàng. Nếu muốn có tiền hoa hồng thì phải bằng mọi cách lôi kéo được những người khác cùng tham gia với mình để tạo thành cả hệ thống “bầy đàn” đa cấp.
Thứ ba, nhiều công ty đa cấp ở Việt Nam hoạt động theo nguyên lý ép buộc chứ không phải tự nguyện. Nếu đã trót tham gia vào các mạng lưới đa cấp thì có muốn rút chân ra cũng khó. Vụ một sinh viên đến đòi đổi sản phẩm ở công ty đa cấp đã bị đánh vỡ đầu, hay việc nhân viên đa cấp bị bắt ở theo “bầy đàn” thời gian qua là những ví dụ.
Nếu đã bỏ tiền ra cho các công ty này thì khả năng thu hồi là hầu như không thể vì họ sẽ lấy số đông để lấn át khách hàng. Còn với nhân viên, do đã mắc nợ công ty một số tiền nên cũng không có lối thoát. Cách rút chân ra duy nhất là chịu nộp tiền phạt, điều này thì không phải ai cũng làm được.
Có lẽ ở Việt Nam bây giờ ít kinh doanh đa cấp chân chính mà đa phần là lừa đảo đa cấp. Mọi người nên tự trang bị cho mình kiến thức, để nhận ra đâu là kinh doanh đa cấp, đâu là lừa đảo ăn theo bán hàng đa cấp. Nên sáng suốt không để thành nạn nhân của trò lừa này.
>> Xem thêm: 1 triệu người Việt đang lừa đảo, đánh cắp lòng tin của nhau.
Long Hoàng
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.