Khoảng trời trong xanh hình tròn nổi bật bên trong đám mây đen gần biên giới Oman, trông như thể ai đó vừa đấm mạnh vào nền trời, theo IFL Science. Nhà thiên văn học và khí tượng học Ebrahim Al Jarwan chia sẻ clip ngắn ghi lại cảnh tượng trên mạng xã hội Twitter hôm 18/3 và giải thích đây là hiện tượng lỗ mây (fallstreak hole).
Hiện tượng lỗ mây chỉ xảy ra khi có đủ hai điều kiện là đám mây chứa nước siêu lạnh và có tác nhân khiến nước kết tinh. Những đám mây nằm ở độ cao từ trung bình tới lớn như mây ti tích hoặc trung tích thường hình thành từ các giọt nước ở nhiệt độ thấp hơn mức đóng băng nhưng vẫn chưa biến thành tinh thể băng.
Nếu một số tinh thể băng lọt vào tầng mây siêu lạnh, hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Những giọt nước tiếp xúc với tinh thể sẽ nhanh chóng đóng băng, tạo ra nhiều tinh thể băng hơn, từ đó tiếp xúc ảnh hưởng tới vô số giọt nước xung quanh. Phần lớn giọt nước kết tinh bất ngờ và bắt đầu rơi xuống đất, để lại lỗ hổng lớn hình tròn hoặc hình elip giữa đám mây.
Hố mây có nhiều băng gấp khoảng 10 lần mây trung tích. Nhưng trong một thời gian dài, giới nghiên cứu không rõ chúng hình thành như thế nào trong đám mây siêu lạnh. Thông thường, nước siêu lạnh cần có yếu tố tác động để đóng băng, có thể là tạp chất, tương tác với môi trường hoặc nhiệt độ cực thấp.
Tác nhân đưa tinh thể băng tới khiến hố mây hình thành là máy bay. Máy bay có nhiều tinh thể băng tập trung ở đầu cánh, cánh tà, bánh xe và thậm chí cánh quạt. Khi giãn nở theo áp suất, không khí cũng hạ nhiệt độ tới điểm khiến cả nước siêu lạnh đóng băng. Do đó, máy bay có thể để lại vệt tinh thể băng phía sau và những tinh thể băng này tác động tới các đám mây, làm thay đổi đặc tính của chúng, tạo ra hố mây tuyệt đẹp.