"Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm, với 100% công suất để hỏa táng các thi thể kịp thời", Kamlesh Sailor, chủ tịch quỹ tín thác điều hành lò hỏa táng Kurukshetra tại thành phố Surat, bang Gujarat, phía tây Ấn Độ, hôm nay cho biết.
Lò hỏa táng này, cùng một lò khác ở Surat có tên Umra, đã thiêu hơn 100 thi thể mỗi ngày theo quy trình dành cho người nhiễm nCoV vào tuần trước, cao hơn nhiều so với số ca tử vong vì Covid-19 mỗi ngày tại Surat do chính quyền công bố, là khoảng 25 người.
Các lò hỏa táng chạy bằng gas và củi hoạt động liên tục đến mức các bộ phận bằng kim loại bắt đầu nóng chảy.
Prashant Kabrawala, nhân viên quỹ tín thác Narayan chịu trách nhiệm quản lý lò hỏa táng Ashwinikumar cũng tại Surat, từ chối tiết lộ số lượng thi thể họ hỏa táng theo quy trình Covid-19, nhưng cho biết khối lượng công việc đã tăng gấp ba lần trong những tuần gần đây. Phát ngôn viên chính quyền bang Gujarat không phản hồi yêu cầu bình luận.
Ấn Độ đang hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 vô cùng tồi tệ. Số ca nhiễm mới hôm 19/4 tiếp tục chạm mức kỷ lục 273.810 người, trong khi 1.619 trường hợp tử vong. Vùng dịch lớn thứ hai thế giới hiện ghi nhận hơn 15,3 triệu ca nhiễm và hơn 180.000 người chết.
Các bệnh viện kín chỗ, đồng thời rơi vào tình trạng thiếu oxy và thuốc men trong một hệ thống y tế vốn đã xuống cấp. Một số thành phố lớn khác cũng báo cáo số lượng thi thể cần chôn cất và hỏa táng theo quy trình dành cho bệnh nhân Covid-19 lớn hơn nhiều so với số ca tử vong chính quyền công bố.
Giới chức giải thích rằng sự chênh lệch giữa các số liệu có thể do nhiều yếu tố, bao gồm quy trình xử lý thi thể thận trọng quá mức. Một quan chức y tế cấp cao giấu tên cho hay "ngay cả khi chỉ có 0,1% khả năng người chết nhiễm nCoV", phương thức hỏa táng dành cho người nhiễm virus vẫn được áp dụng.
"Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch và tử vong trước cả khi được xét nghiệm nCoV, hoặc những ca bệnh đã tử vong khi đến bệnh viện mà chúng tôi không biết có dương tính hay không", quan chức này nói.
Tuy nhiên, Bhramar Mukherjee, giáo sư thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan của Mỹ, cho rằng nhiều nơi ở Ấn Độ đang trong tình trạng "không thừa nhận dữ liệu thực tế". "Mọi thứ quá mập mờ. Cảm giác như không ai thật sự hiểu rõ tình huống này", chuyên gia nhận định.
Ánh Ngọc (Theo CNN)