Vì sao việc phát triển nhà ở xã hội chưa thu hút doanh nghiệp là vấn đề được ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Xây dựng đề cập tại họp báo Chính phủ chiều 30/9.
Ông thừa nhận chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội do tiếp cận tín dụng, quỹ đất còn gặp khó. Quy định hiện nay doanh nghiệp được lợi nhuận định mức 10% với toàn bộ dự án khi làm nhà ở xã hội. Đây là một trong số hỗ trợ từ chính sách, bên cạnh các cơ chế như miễn tiền sử dụng đất, thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng), ưu đãi lãi suất vay vốn.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn duy trì các hỗ trợ trên, và bổ sung chính sách thực chất hơn như được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; doanh nghiệp được dành 20% quỹ đất để phát triển các khu thương mại dịch vụ; địa phương hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chủ đầu tư cũng được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, doanh nghiệp được hỗ trợ ưu đãi tiếp cận vốn, vay với lãi suất ưu đãi. Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với thị trường.
"Chính sách về tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội được quy định đủ, khó khăn vướng mắc vừa qua chủ yếu do bố trí nguồn lực", Thứ trưởng Sinh nhận xét.
Trước ý kiến cho rằng nên tăng mức lãi cho doanh nghiệp từ 10% hiện nay lên 15% khi sửa luật để hấp dẫn các nhà đầu tư, Thứ trưởng Sinh cho hay, nếu nâng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ khiến giá bán nhà ở xã hội tăng lên. Như vậy sẽ tạo gánh nặng, khó khăn hơn cho người thu nhập thấp - đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay sản xuất đầu tư đạt lợi nhuận 10% là quá tốt. "Điều họ cần là cải cách thủ tục hành chính, địa phương chưa vào cuộc giải quyết nhanh trong xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai", ông Sinh nói.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định không phân biệt chủ đầu tư nhà ở xã hội là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Ông cho biết, quy định pháp luật về nhà ở, đầu tư phát triển nhà ở xã hội quy định các hình thức phát triển loại nhà ở này, trong đó có thể Nhà nước hoặc huy động các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, nên "không hạn chế phạm vi nào" đầu tư vào phân khúc nhà ở này.
Ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thêm, Nhà nước thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách và thanh kiểm tra. Còn việc đầu tư sẽ do các doanh nghiệp Nhà nước hoặc tư nhân đảm nhiệm để huy động tối đa nguồn lực.
Theo ông, dự Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung quy định, địa phương trên cơ sở kế hoạch phát triển nhà ở phải dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, hoặc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM rất lớn. Trung tuần tháng 4, người dân xếp hàng từ 2h sáng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong khi đó, điều kiện mua được cho không hợp lý, ví dụ quy định "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình" sẽ khiến lao động có nhà ở quê muốn lập nghiệp ở các đô thị gặp khó khăn.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nửa đầu năm nay cả nước toàn quốc đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 157.000 căn; đang triển khai 418 dự án quy mô 432.000 căn. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 có ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn; tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.