Sáng 23/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phòng chống dịch cúm gia cầm ở người và dịch sởi. Ước tính có khoảng 4.000 người tham gia thuộc các bộ, ngành công thương, nông nghiệp, y tế... tại đầu cầu của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong 2 tháng đầu năm 2014, số mắc cúm A(H7N9) ghi nhận tại Trung Quốc cao hơn số mắc 2013 với 208 người mắc, 20 ca tử vong. Các tỉnh có ca bệnh liền nhau, tập trung phía đông nam. 60% số ca mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, tỷ lệ tử vong cao.
Đặc biệt, xét nghiệm trên gia cầm, số mẫu dương tính với virus rất thấp, chỉ là 8 trên 33.000 mẫu (năm ngoái là 63/600.000). Tuy nhiên, tỷ lệ mắc trên người vẫn rất cao. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc phòng chống dịch bệnh trên gia cầm cũng như trên người.
“Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Từ trước đến nay Trung Quốc có dịch gì thì Việt Nam có dịch đấy”, tiến sĩ Phu nói.
Tiến sĩ Scott Newman bày tỏ quan ngại gia cầm từ các chợ bị đóng cửa ở Trung Quốc có thể được vận chuyển sang Việt Nam. Ảnh: N.P. |
Tiến sĩ Scott Newman, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam thì lo ngại gà bị nhiễm virus H7N9 ở thể ẩn vì gà thường không bị chết vì virus gia cầm này. Tại Trung Quốc, virus được phát hiện trên người trước sau đó mới thấy trên gia cầm.
Ngoài ra, việc đóng cửa các chợ gia cầm sống ở Quảng Đông vì phát hiện virus H7N9 tạo lượng lớn gia cầm cần vận chuyển, tiêu hủy tăng nguy cơ được chuyển sang Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Trong khi đó, việc ngăn ngừa vận chuyển trái phép rất khó khăn, vị chuyên gia này cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong đợt bùng phát địch đầu tiên, kết quả dương tính với virus chủ yếu được phát hiện ở gà; đợt 2 lại phát hiện nhiều hơn ở môi trường chợ. Điều này, chứng tỏ với thời gian hơn 1 năm qua virus này cộng dồn tích lũy tại môi trường chợ, gia cầm sống.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng nhận định, dịch cúm A(H7N9) là mối hiểm họa với Việt Nam. Vì thế, nếu có ca bệnh trên người thì không có gì ngạc nhiên.
Ông Kasai cũng lưu ý, những tỉnh có nguy cơ cao dịch xâm nhập gồm những tỉnh sát biên giới Trung Quốc, lưu lượng gia cầm ra vào nhiều; địa phương có nhiều khách nước ngoài. Bên cạnh đó, một số chủng cúm gia cầm tại Trung Quốc đang biến thể, nguy cơ lây sang người. Một khi xảy ra dịch trên người thì nguy cơ xảy ra đại dịch là rất lớn. Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần ứng phó nhanh.
Trong khi đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm A(H5N1) bùng phát rất lớn. Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số những nước có tỷ lệ mắc cúm gia cầm cao từ khi chủng này xuất hiện, đứng sau Ai Cập, Indonesia. Hiện cả nước đã ghi nhận 64 ổ dịch trên gia cầm tại 17 tỉnh, thành. Sau thời gian dài tạm lắng, người dân có thể chủ quan, lơ là, vẫn sử dụng gia cầm ốm chết.
Các chuyên gia nhận định khống chế dịch trên gia cầm sẽ khống chế được dịch trên người. Vì thế, điều quan trọng là kiểm soát được gia cầm nhập lậu. Đồng thời, tuyên truyền mạnh để nâng cao hiểu biết của người dân. Bộ Y tế sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát công tác phòng chống dịch tại các tỉnh trọng điểm.
Tại các chợ bán lẻ, buôn bán gia cầm; hàng tuần, hàng tháng đóng cửa chợ gia cầm làm công tác khử trùng. Gia cầm được bán tại đây phải giết mổ tại chỗ tránh gia cầm chuyển ngược đến nơi khác gây mối hiểm họa lan chuyền virus mạnh mẽ hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện cúm A(H7N9) chưa vào Việt Nam nhưng cần tuyên truyền để nhân dân không lo lắng nhưng phải có tinh thần cảnh giác cao độ. Điều quan trọng là sự phối hợp của cả hệ thống chính trị.
Bùng phát từ giữa tháng 2/2013 đến nay dịch cúm A(H7N9) đã khiến 360 người mắc, 67 người tử vong. Ước tính thiệt hại tại Trung Quốc lên đến trên 26 tỷ USD do giảm giá thành, hỗ trợ tiêu hủy gia cầm. Không chỉ lục địa Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Maylaysia cũng đều ghi nhận các ca mắc.
Nam Phương