Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), kính thiên văn Swiff hôm 15/6 chụp được một vật thể sáng mới xuất hiện trên bầu trời.
Lúc đầu, các nhà khoa học không biết đó là vật thể gì. Cuối cùng, họ phát hiện đó là ánh sáng phát ra từ quầng sáng cực mạnh quanh một lỗ đen khối lượng ngôi sao. Lỗ đen được ví như một sinh vật háu ăn. Nó phát triển, nuốt chửng mọi mảnh vỡ của các ngôi sao gần đó. Tất cả mọi thứ gần nó đều bị lực hấp dẫn cực mạnh của lỗ đen thu hút, kể cả ánh sáng. Do đó, rất khó để chụp ảnh và quan sát lỗ đen.
Lỗ đen này nằm yên đã 26 năm, nay tỉnh giấc và phát ra hàng loạt chùm sáng tia X. Nó hút khí và bụi từ một ngôi sao gần đó, cùng với nhiều vật chất khác, bồi đắp thành vòng đĩa xung quanh hố đen, John Nousek, đại học Penn, Mỹ, giám đốc dự án Swiff cho biết.
"Khi nó tích tụ đủ vật chất, sẽ hội tụ đủ điều kiện tạo thành một vụ nổ tương tự bom hydro," Nousek nói. "Hydro phát tán dưới áp lực và sức nóng, tạo thành vụ nổ sáng như một ngôi sao mới đang hình thành." Với sức nổ cực lớn, nó sẽ thổi tung tất cả vật chất đang nằm yên gần hố đen.
Theo BBC, quan sát vụ nổ giúp các nhà khoa học tìm hiểu cách lỗ đen thay đổi theo thời gian. Hố đen lần này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi ngủ lại, các nhà khoa học không biết khi nào nó sẽ thức dậy lần nữa.
Hồng Hạnh (Video: NASA)