Sau gần một tuần trục vớt, một số ngư dân tìm thấy các chảo cổ cùng bát, dĩa, mảnh gốm vỡ ở vùng biển gần bờ thôn Châu Tân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn). "Cổ vật bị vùi sâu dưới lớp cát khoảng một mét, cách bờ biển chỉ 50 m, chúng tôi tìm thấy rất chiều chảo hình tròn chồng lớp lên nhau", một ngư dân cho biết.
Chuyên gia Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định, việc phát hiện nhiều cổ vật ở cùng khu vực, có niên đại thế kỷ 10-12 và 14-15. Điều này đã minh chứng ít nhất có hai tàu chìm nơi đây vào hai thời điểm khác nhau.
Ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty Đoàn Ánh Dương (đơn vị thăm dò, khảo sát cổ vật vùng biển Bình Châu) cho hay, chảo cổ vừa được tìm thấy với số lượng lớn được sản xuất dạng hình tròn, xếp từng chồng là để dễ vận chuyển buôn bán trên biển chứ không phải dùng đựng hay nấu ăn cho thủy thủ đoàn. Chảo cổ này được làm bằng gang có niên đại khoảng thế kỷ 14-15, vết tích cháy đen có thể do tàu chìm lúc hỏa hoạn.
Trước tình hình này, Quảng Ngãi đã siết chặt an ninh, tăng cường bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động tìm kiếm, trục vớt trái phép. "Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị các cơ quan chức năng cùng phối hợp tuyên truyền ngư dân dừng lại, không xâm hại di sản văn hóa dưới nước. Trường hợp người nào cố tình tái phạm sẽ đề nghị công an xử lý hình sự", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nói.
Trước đó, qua khảo sát sơ bộ, các nhà khoa học từng phát hiện ở eo biển Vũng Tàu (xã Bình Châu) 10 tàu cổ đắm. Trong đó, hai con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến 18.
Trí Tín