Bamboo Airways có báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm ngoái trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên được tổ chức tại Hà Nội vào tuần tới.
Năm 2022, doanh thu của hãng bay này tăng gần 3,3 lần so với 2021 đạt 11.732 tỷ đồng. Dù nguồn thu cải thiện tích cực, Bamboo Airways vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn khi ghi nhận khoản lợi nhuận gộp (khoản tiền doanh nghiệp thu được sau khi đã trừ đi giá vốn của hàng hóa, dịch vụ) âm hơn 3.200 tỷ đồng. Công ty cho biết vẫn lỗ gộp do những khó khăn từ thị trường Đông Bắc Á và xung đột Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu bay tăng vọt.
Thực tế, kinh doanh dưới giá vốn là tình trạng chung của các hãng bay Việt vài năm qua tác động của Covid-19, các chi phí đầu vào tăng mạnh, lãi suất dâng cao. Tuy nhiên, mức lỗ gộp năm ngoái của Bamboo Airways đã cao hơn hai hãng bay nội địa có quy mô lớn hơn là Vietnam Airlines và Vietjet. Bamboo Airways đang sở hữu đội tàu bay 30 chiếc, trong khi Vietnam Airlines có trên 110 tàu, Vietjet trên 80 tàu.
Vietnam Airlines năm 2021 lỗ gộp khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng năm ngoái đã giảm xuống còn âm khoảng 2.625 tỷ đồng nhờ doanh thu phục hồi về bằng 70% mức trước dịch. Còn Vietjet lỗ gộp lần lượt 2.038 tỷ và 1.993 tỷ năm 2021 và 2022. Mức lỗ gộp của Bamboo Airways năm 2021 khoảng 4.060 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, Bamboo Airways lỗ trước thuế hơn 17.600 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, hãng bay này ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp 80 lần, lên 17.592 tỷ đồng. Chi phí tài chính của Bamboo Airways cũng tăng gấp 4,7 lần lên 1.405 tỷ đồng.
Như vậy, mức lỗ năm ngoái của Bamboo Airways cũng cao hơn cả của hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet gộp lại khoảng 2.000 tỷ. Năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 12.965 tỷ, còn Vietjet lỗ khoảng 2.648 tỷ đồng.
Đến hết 31/12, nợ phải trả của Bamboo Airways khoảng 18.800 tỷ đồng, tăng trên 8.700 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm khoảng 835 tỷ, trong khi đầu năm là 16.783 tỷ đồng.
Sang năm 2023, tình hình của Bamboo Airways đã tích cực hơn. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways thông tin hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý I khi đội tàu bay hoạt động hết công suất. Theo ông Trọng, Bamboo Airways "sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024" và có lãi từ năm 2025.
Năm nay, Bamboo Airways đặt kế hoạch tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, khoảng 15-20% tùy diễn biến thị trường. Để bắt kịp đà hồi phục, hãng đang cân nhắc và tính toán các kịch bản để tăng đội bay, mở rộng mạng bay cũng như nâng cao hiệu quả khai thác.
Hãng sẽ tiếp tục hoàn thiện tần suất khai thác và mở thêm các đường bay mới, tập trung vào các thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Australia. Đồng thời, Bamboo Airways sẽ đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên trên 30 chiếc.
Tại phiên họp thường niên ngày 21/6, Bamboo Airways sẽ bầu thành viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028. Thời gian qua, doanh nghiệp đã có một số thay đổi ở vị trí lãnh đạo thượng tầng trong quá trình chuyển giao sang nhà đầu tư mới. Từ cuối tháng 5, ông Nguyễn Minh Hải làm Tổng giám đốc Bamboo Airways thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân - người gắn bó với hãng từ tháng 9/2020.
Hai cựu lãnh đạo Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản cũng dự kiến góp mặt ở Bamboo Airways. Trong đó, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Còn ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.
Anh Tú