Theo khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Căn cứ vào quy định nêu trên, trong trường hợp bạn cho người khác vay với mức lãi suất 36%/năm thì bên vay có nghĩa vụ trả tiền gốc và lãi suất vay 20%/năm cho bạn, đối với phần lãi suất vượt quá (36% – 20% = 16%) sẽ không có hiệu lực.
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên vay trả tiền gốc và lãi suất như trên cho bạn, trường hợp bên vay không đồng ý thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình.
Lưu ý, căn cứ điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), chỉ người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM