Sáng 14/9, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông, từ ngày 1/10/2019 đến 31/7, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại.
Tuy nhiên, an ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. "Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng", ông nói.
Vì vậy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng. Nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao được triển khai; triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet...
"Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn", lãnh đạo Bộ Công an nói.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói năm 2020, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2019. Một số chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội như: Tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 11%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt gần 6%.
Tuy nhiên, theo đại diện Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019.
"Còn 17 trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can, do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm", bà Nga nói.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2020, cơ quan chức năng triệt phá khoảng 2.500 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm gần 3,2% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.