Thứ sáu, 13/12/2024
Thứ sáu, 29/11/2024, 06:00 (GMT+7)

'Lò bánh hy vọng' cho người trẻ khó khăn

TP HCMMỗi năm, lò bánh mì La Boulangerie Francaise mở lớp dạy nghề cho khoảng 20 người trẻ có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ họ tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

4h sáng mỗi ngày, trong căn bếp rộng 130 m2, hơn chục bạn trẻ cặm cụi chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, học trở thành thợ làm bánh chuyên nghiệp tại xưởng bánh mì Pháp ở TP Thủ Đức.

La Boulangerie Francaise được biết đến là lò bánh mì chất lượng cao và là lớp học cho người trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi.

Ra đời từ năm 1999, mỗi năm lò bánh nhận đào tạo 20 người ở độ tuổi 18-25. Chương trình đào tạo kéo dài một năm, đồng thời hỗ trợ kết nối việc làm cho những học viên sau khi tốt nghiệp. Học viên ở tại ký túc xá, được hỗ trợ chi phí ăn ở và chỉ đóng 150.000 đồng một tháng.

Nhập học được 5 tháng, Quang Minh, 18 tuổi (trái) cho biết chọn học làm bánh vì muốn có công việc ổn định. Hè lớp 11 và 12, Minh từng làm phụ bàn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. "Lần đầu xa nhà, em mong ba mẹ có thể nhìn thấy mình chăm chỉ làm việc", chàng trai quê Khánh Hòa nói.

Bánh baguette truyền thống, sourdough, soft bread, croissants, và pain au chocolat là 5 loại bánh điển hình, được học viên thực hành mỗi ngày. Học viên Quang Minh cho biết khâu khó nhất là tạo hình lần cuối cho bánh, vì cần cảm nhận bánh ngoài chuyện làm đúng công thức.

Nguyễn Thị Nga, 27 tuổi (giữa) đi vòng quanh lớp, quan sát học viên. Chị Nga đã dạy làm bánh ở trường được bốn năm và từng là học viên tại đây. "Ở lớp, tôi thấy mình của ngày trước, còn rụt rè, giọng lí nhí, không dám bày tỏ ý kiến hoặc nhờ giúp đỡ. Giờ thì tôi thấy sự tiến bộ, thay đổi về kỹ năng, giọng nói to rõ của học viên sau 6 tháng theo học", chị Nga cho biết.

Buổi học làm bánh kéo dài khoảng 8 tiếng mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 7, trong đó tính kỷ luật, đúng giờ được đề cao. Đồng hồ và bảng tiến độ công việc được đặt giữa bếp, để nhắc nhở mỗi cá nhân trễ giờ có thể ảnh hưởng cả tập thể. Kế bên là tấm bảng lớn để học viên có thể ghi chú cải thiện kỹ năng, cùng nhau tiến bộ.

“Khoảnh khắc làm tôi chững lại trong căn bếp là thấy những chiếc bánh đang nở chín, ngửi được hương thơm tỏa ra. Gác lại lo lắng về tiền bạc và gia đình, tôi tập trung hoàn toàn vào những chiếc bánh, về men và bột bánh, cách tạo hình”, Lê Đức Anh Tuấn, 22 tuổi nói trong lúc chờ lấy những chiếc bánh nóng, giòn rụm từ lò.

Chàng trai quê Đồng Nai yêu biển và yêu làm bánh. Cậu từng chạy bàn hai năm ở Phú Quốc, rồi quyết tâm học làm bánh ở TP HCM. Chọn học làm bánh toàn thời gian tại trường, đồng nghĩa Tuấn không thể đi làm kiếm tiền trong khoảng một năm - nỗi băn khoăn lớn của cậu trước khi quyết định đi học.

Cuối buổi, lớp học tiến hành phần QC (quality control/ quản lý chất lượng). Các học viên sẽ trao đổi về những vướng mắc, khó khăn với giáo viên, đồng thời lắng nghe nhận xét.

Với mục đích bán bánh và dạy học, lò bánh mì thường làm dư số lượng đặt hàng trong ngày, để trừ hao những chiếc bánh không đạt chuẩn về kỹ thuật, hình dáng.

Trong buổi thực hành, thay vì được cung cấp tài liệu in sẵn, mỗi học viên phải chủ động ghi chép trực tiếp toàn bộ công thức và lời dặn dò về kinh nghiệm làm bánh.

Sau 8 tiếng trong bếp, các học viên sẽ cùng ăn trưa lúc 13h. Sau đó, học viên nghỉ ngơi để chuẩn bị cho các lớp học kỹ năng lúc 14h30.

Trong khoá học năm nay, học viên được chú trọng bồi dưỡng tiếng Anh. Phần lớn nội dung học liên quan đến kỹ năng nghe - nói cơ bản, từ vựng về ẩm thực và sinh hoạt hàng ngày.

“Các bếp trưởng lò bánh thường là người nước ngoài. Các thiết bị, dụng cụ nhà bếp được gọi theo tên tiếng Anh. Vì vậy, việc học ngoại ngữ sẽ giúp các bạn làm quen nhanh hơn với môi trường làm việc chất lượng cao, có lộ trình thăng tiến rõ ràng”, chị Thơm Trần, quản lý dự án dạy làm bánh của trường cho biết.

Để tốt nghiệp khóa học, học viên phải tham gia buổi thi dài 8 tiếng, với các giám khảo là bếp trưởng người nước ngoài, đến từ nhà hàng, tiệm bánh uy tín trong thành phố.

Chị Thơm Trần cho biết, đến nay lò bánh đã đào tạo hàng trăm thanh niên có hoàn cảnh khó khăn; khoảng 95% học viên sau tốt nghiệp có công việc ổn định tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, siêu thị và các tiệm bánh nổi tiếng.

Các học viên chụp hình lưu niệm sau giờ giải lao. Họ đến từ những vùng quê và độ tuổi khác nhau, nhưng có chung chí hướng “We bake for change” (Chúng tôi làm bánh để thay đổi những cuộc đời) - như khẩu hiệu của trường.

Phạm Bằng, sinh năm 2002 cho biết sau khi tốt nghiệp, cậu đã có công việc ổn định tại một nhà hàng - khách sạn ở TP HCM. “Công việc hiện tại giúp mình giải quyết vấn đề trước mắt là chi phí sinh hoạt, vừa gửi tiền về cho mẹ, và hơn cả là đam mê với nghề làm bánh”, Bằng nói.

Khương Nguyễn