Tối 3/11, liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của Phạm Phương Thảo - Mơ duyên - diễn ra ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Hơn 1.000 chỗ ngồi ở khán phòng chật kín. Trước đêm nhạc, ca sĩ chia sẻ dù vé bán hết, cô vẫn chịu lỗ vì muốn đầu tư chương trình chỉn chu.
Sinh ra ở Nghệ An, làn điệu dân ca ví, giặm thấm vào con người Phạm Phương Thảo, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp ca hát, sáng tác của cô. Trong phần một mang tên Gái Nghệ, Phạm Phương Thảo tái hiện làn điệu đặc trưng của quê hương. Cô hát đối, hát ghẹo các bạn diễn trong ca cảnh Duyên người Nghệ. Tác phẩm tái hiện không khí náo nức, vui tươi của làng quê. Những ca khúc như Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi cũng mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh.
Phần hai của chương trình giới thiệu chín ca khúc do Phạm Phương Thảo sáng tác, được cô và khách mời thể hiện. Nhạc phẩm của Phạm Phương Thảo không quá quen thuộc với số đông khán giả, nhưng khiến người nghe thích thú qua cách dàn dựng nhiều màu sắc, chất liệu âm nhạc gần gũi. Các tiết mục được phối theo phong cách dân gian đương đại, đan xen chất liệu dân ca Bắc Trung Bộ, với sự hỗ trợ của nhiều nhạc cụ dân tộc như trống, đàn tranh, đàn nhị... Trong Chàng vinh quy, nữ ca sĩ thể hiện hình ảnh một cô gái ngây thơ, háo hức khi thầm thương trộm nhớ trạng nguyên về làng. Tiết mục từng giúp Phương Thảo đoạt huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc. Với Mơ duyên, ca sĩ thể hiện hình ảnh người phụ nữ khát khao hạnh phúc.
* Thanh Lam, Trọng Tấn thăng hoa trong đêm nhạc Phạm Phương Thảo
Mỗi khách mời trong liveshow cũng mang đến một màu sắc riêng cho đêm nhạc. Thể hiện Trai quê tôi, tam ca Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn tâm sự ban đầu, họ khá bối rối khi làm quen với ca khúc mới do Phương Thảo sáng tác. Tuy nhiên, quá trình tập luyện khiến họ thích thú. Việt Hoàn là bạn thân của Phạm Phương Thảo từ nhiều năm nay. "Ngoài đời, Thảo thẳng thắn, mạnh mẽ, có phần đàn ông. Tuy nhiên, các sáng tác của Thảo lại đậm chất trữ tình, nữ tính", Việt Hoàn nói.
Hai tiết mục của Thanh Lam - À ơi ngày thơ và Hát đồng dao - khiến khán giả thích thú. Thể hiện dòng nhạc dân ca vốn không phải sở trường, diva nhạc nhẹ vẫn chinh phục khán giả nhờ chất giọng khỏe, sự kết hợp nhuần nhuyễn với dàn bè. Phần cuối của chương trình đưa người xem đến nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước qua loạt ca khúc Phiêu diêu Tràng An, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Quảng Bình quê ta ơi...
Dưới sự chỉ đạo của NSƯT Trần Ly Ly, các tiết mục đều được dàn dựng kỹ lưỡng. Những bài múa gợi lên hình ảnh cô thôn nữ mặc yếm đào, anh trai quê hiền lành, các em nhỏ hát đồng dao... một cách sinh động. Đạo diễn Phạm Hoàng Giang là người thiết kế sân khấu. Anh sử dụng nhiều đạo cụ mộc mạc, tái hiện hình ảnh con thuyền, mái nhà tranh, rặng tre làng... Điểm nhấn của sân khấu là hình ảnh chiếc quạt - ngụ ý về một người phụ nữ tài hoa nhưng tình duyên lận đận, từng được Hồ Xuân Hương nói đến trong bài thơ Vịnh cái quạt. Ngoài đời, Phạm Phương Thảo từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô từng yêu thêm hai người đàn ông nhưng sớm chia tay. Ca sĩ chia sẻ cô viết nhạc, làm thơ để vơi bớt nỗi buồn.
Mơ duyên kết thúc sau gần ba tiếng đồng hồ. NSƯT Hà Thuỷ nhận xét Phạm Phương Thảo mang đến nét mới mẻ, hấp dẫn cho dòng nhạc dân gian qua cách biểu diễn, dàn dựng tiết mục, khiến người xem "đã mắt, đã tai". Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đánh giá cao nỗ lực thực hiện một đêm nhạc chất lượng của cô. "Mơ duyên là liveshow đáng xem giữa thị trường âm nhạc hiện đại xô bồ. Đêm nhạc không chỉ nói về tình yêu mà còn tái hiện tình quê hương, đất nước, trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống", nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói.
Phạm Phương Thảo tri ân hai người thầy quá cố - NSND Quý Dương và nhạc sĩ An Thuyên - trong đêm nhạc. NSND Quý Dương là người đầu tiên dìu dắt Phạm Phương Thảo ở Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội). Nhạc sĩ An Thuyên là tri kỷ trong âm nhạc, cuộc sống của cô, người truyền cảm hứng và giúp đỡ cô trong những ngày đầu chập chững sáng tác. Phạm Phương Thảo để hai chiếc ghế trống cho hai thầy.
Bố mẹ Phạm Phương Thảo chia sẻ họ hàng cử một đoàn gồm 30 người đến xem liveshow của cô. Ca sĩ nhớ lại khi cô học THPT, Đoàn Ca múa Nghệ An tuyển cô đi đào tạo. Thầy hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc (Nghệ An) đã cho học sinh nghỉ hai tiết học để chia tay cô. Lúc đó, Phạm Phương Thảo mải mê trò chuyện với bạn bè, quên mất bố mẹ đứng một góc. Khi cô lên xe, bố chạy theo đưa cho cô chiếc chăn lành lặn nhất của gia đình. Hình ảnh ấy khiến ca sĩ không thể quên. Bố mẹ Phạm Phương Thảo gọi khán phòng là "hôn trường", nơi cô được giao duyên với âm nhạc, khán giả.
Hà Thu