Lives Worth Living mở đầu bằng những hình ảnh ảm đạm từ quá khứ, khi những người khuyết tật đang biểu tình và một người trong số đó bị lực lượng bảo vệ kéo đi. Câu thoại đầu tiên của phim là: “Có nhiều người tin rằng, khi bạn khuyết tật thì bạn không còn thiết sống nữa”. Trong suốt 53 phút phim, đạo diễn Eric Neudel đưa người xem trở về quá khứ, vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 khi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của cộng đồng người khuyết tật tại nước Mỹ ở vào giai đoạn sôi sục nhất.
Phim không có người dẫn chuyện mà chính các nhân vật của câu chuyện này dẫn dắt khán giả đi tới từng ngõ ngách trong cuộc sống của người khuyết tật thông qua những cuộc phỏng vấn và hình ảnh trong quá khứ. Lý giải điều này, đạo diễn Eric Neudel cho biết ở đầu những năm 1990, người khuyết tật dường như không có tiếng nói trong cộng đồng, họ bị phân biệt đối xử. Thông qua bộ phim, ông muốn tất cả những nhân vật tự mình kết nối câu chuyện để tạo thành một dòng chảy cảm xúc.
Hơn 20 năm trước, cộng đồng người khuyết tật ở Mỹ không được tiếp cận trường học, các tòa nhà chung cư cũng như các phương tiện giao thông công cộng. Thời ấy, đi bộ trên đường phố rất khó gặp họ dù người khuyết tật là một trong những cộng đồng thiểu số lớn nhất ở xứ cờ hoa. “Chúng tôi không muốn xe chở người khuyết tật riêng biệt. Chúng tôi muốn có thể đi xe bus như bao người khác” – đó là một nhu cầu rất bình thường của một con người khi muốn hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đó từng là một ước mơ xa vời từng xảy ra trong quá khứ của người khuyết tật mà thế hệ ngày nay khó có thể hình dung ra.
Frederick A. Fay, một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào đấu tranh cho người khuyết tật, tâm sự trong bộ phim: “Ngày ấy ở trên phố, mỗi con đường đều có vỉa hè rất cao và chẳng hề có đường dốc để xe lăn đi lên. Nó giống như bức tường thành Berlin dành cho những ai phải ngồi trên xe lăn”.
Lives Worth Living theo sát sự phát triển nhận thức của một nhóm người nhỏ khi họ dần nhận ra rằng cần phải đấu tranh để thay đổi thế giới. Những cuộc biểu tình và cuộc chiến pháp lý dần nổ ra trên khắp nước Mỹ. Một trong những hình ảnh gây xúc động nhất trong phim là ở một cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Hạ viện Mỹ, một cô bé khuyết tật tuổi đời còn rất nhỏ nhưng cho thấy ý chí phi thường khi cố bò lên hết những bậc cầu thang để vào được bên trong. Cô bé nói trong những thước phim tài liệu cũ: “Cháu có thể bò cả ngày hôm nay”.
Phim xen lẫn giữa quá khứ - qua những thước phim tài liệu về các cuộc biểu tình - và thực tại, khi những nhân vật năm xưa, ngồi kể lại về hành trình dài của mình. Lives Worth Living khép lại với cuộc đấu tranh khốc liệt vì Luật người khuyết tật Mỹ - một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống luật dân sự trong lịch sử nước Mỹ. Trước đó, người khuyết tật đấu tranh theo những nhóm nhỏ như nhóm người khiếm thị hay những chứng bệnh khác nhau. Nhưng khi hợp sức lại, họ cho thấy một sự đồng lòng, kiên cường muốn thay đổi thế giới. Ở thời điểm ký quyết định về Luật người khuyết tật, có thể tổng thống George H. W. Bush phải ký dù ông có thể chưa hiểu hết về luật đó. Nhưng dường như chính sức mạnh đoàn kết và khao khát được sống bình đẳng với cộng đồng của những người khuyết tật đã buộc ông phải hiểu.
Phim không đi sâu vào tiểu tiết cuộc sống sinh hoạt thường ngày của những người khuyết tật, cũng không có những cảnh quay lấy nước mắt hay giành lòng thương hại của người xem. Những thước phim chạy trên màn hình đi vào khía cạnh nhân quyền bằng những hình ảnh mạnh mẽ, có sức lay động lớn. Tên phim - Lives Worth Living (Những cuộc đời đáng sống) - thể hiện rõ tinh thần của bộ phim. Những người khuyết tật dù có những khiếm khuyết khác với người bình thường, họ có thể không làm được cái này, không thấy được cái kia, nhưng đều xứng đáng được tận hưởng cuộc sống như bao người khác.
Đạo diễn Eric Neudel và nhà sản xuất Alison Gilkey đã mất tới 5 năm mới có thể hoàn thành Lives Worth Living, từ việc gây quỹ để làm phim, nghiên cứu tư liệu, đi phỏng vấn các nhân vật rồi cô đọng lại câu chuyện trong 53 phút. Khi ra mắt vào năm 2011, bộ phim đã trở thành ký sự truyền hình đầu tiên của Mỹ nói về những nỗ lực của cộng đồng người khuyết tật trong việc giành quyền bình đẳng, đem tới niềm tin cho gần 1 tỷ người trong cộng đồng này trên khắp thế giới. Dù rằng cuộc chiến nhân quyền của những người khuyết tật vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, Lives Worth Living đã phần nào tạo được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, trở thành một “Tuyên ngôn giải phóng” của họ.
Trong tuần này, đạo diễn Eric Neudel cùng nhà sản xuất Alison Gilkey đã đưa bộ phim tới Việt Nam để chiếu cho cộng đồng người khuyết tật thông qua chương trình giao lưu văn hóa của Bộ ngoại giao Mỹ mang tên American Film Showcase. Phim đã mang tới niềm tin và hy vọng cho những người khuyết tật ở Việt Nam. Sau đó, Lives Worth Living sẽ tiếp tục chu du đi khắp thế giới để tiếp tục truyền cảm hứng tới những số phận không may mắn và cho họ thấy rằng cuộc đời này thực sự rất đáng sống.
Trailer phim "Lives Worth Living" |
|
Nguyên Minh