Thứ sáu, 26/6/2020, 10:04 (GMT+7)

Liverpool và chức vô địch cứu cả thành phố

Đủ điểm vô địch Ngoại hạng Anh 2019-2020, Liverpool không chỉ giải cơn khát vô địch quốc gia dài 30 năm, mà còn mang lại sự cứu chuộc cho cả thành phố Cảng.

Thủ quân Jordan Henderson lẽ ra đã nâng Cup vô địch Ngoại hạng Anh vào hôm 9/5/2020 để cho những dòng người yêu mến Liverpool hò reo bên dưới. Nhưng vào ngày hôm đó, tất cả chỉ có sự im lặng và vắng vẻ.

Quán rượu Belvedere ở cách vùng trung tâm của thành phố chỉ vài bước chân và đã bị đóng cửa, Caledonia và Blackburne Arms cũng vậy. Hope Street, điểm tụ tập ngoài trời quen thuộc của các CĐV Liverpool, chìm trong tĩnh lặng.

Ở vùng lõi đô thị, những cánh cửa khổng lồ theo phong cách gothic của nhà thờ Anh giáo được chốt chặt. Dòng sông Mersey lung linh dưới ánh tà dương, nhưng mặt nước vẫn tĩnh lặng lạ thường. Xa hơn, một vài con tàu hiếm hoi đang vội vã nhổ neo.

Hãy tưởng tượng cuộc sống nơi đây sẽ như thế nào nếu không bị phong toả bởi đại dịch Covid-19? Concert Square sẽ rộn rã tưng bừng chứ không câm lặng. Bedlam không còn là Bedlam nếu như mất đi sự rộn ràng của Bold Street. Liverpool như bị đông cứng bởi phép thuật của phù thuỷ.

Toàn bộ dân cư thành phố Liverpool dường như di chuyển vào vùng lặng câm đáng sợ trong khoảnh khắc đáng lẽ họ đang hân hoan ăn mừng này. Mọi niềm tin gần như bị vỡ tan bất chấp những tín đồ Tin Lành vẫn nổi tiếng về sự mạnh mẽ và tinh tế. Chỉ HLV Juergen Klopp vẫn đặt hy vọng vào đức tin của ông.

Trong ngày thứ Sáu đáng nhớ đó, người đàn ông Đức này đi lang thang ở khu vực mà cánh ma men trong thành phố hay ngồi. Đó từng là lãnh địa của quán bar Old Blind School trên Phố Hardman. Vào tháng 10/2015, rất nhiều CĐV trọn đời của Liverpool đã tụ tập tại ở đây từ lúc bình minh rồi đến Anfield để chờ đợi cuộc họp báo ra mắt vị HLV ấy.

Jurgen Klopp ra mắt tại Anfield
 
 
Jurgen Klopp ra mắt tại Anfield năm 2015 là một khoảnh khắc quan trọng của Liverpool trên hành trình dài chinh phục vinh quang.

Liverpool là một nơi cuồng tín, và thành phố này không tuân theo bất cứ thế lực nào, kể cả của chính phủ. Tuy nhiên, Liverpool cũng đã giống như bất cứ nơi nào khác tại châu Âu lúc này, trong trạng thái tạm dừng mọi hoạt động để chờ đợi và chờ đợi.

Khi ai đó tuyên bố đại dịch Covid 19 sẽ dập tắt mọi niềm vui của một danh hiệu đã cận kề, thật khó để phản bác. Với việc các quán rượu, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, việc giành danh hiệu sẽ không còn được ăn mừng và ghi dấu vào lịch sử theo cách truyền thống.

Tuy nhiên, những thứ đó không làm giảm được tầm vóc của những thành tích mà Klopp đã tạo ra. Khi nói chuyện với bất cứ ai là công dân Liverpool, ủng hộ CLB Liverpool, bạn sẽ hiểu tại sao chức vô địch Ngoại hạng Anh có tầm quan trọng đến thế với thành phố này.

Khi cảnh sát phong toả khu phố Georgian Quarter ở Liverpool, Tony Nelson bước ra khỏi quán rượu Casa của ông với tâm trạng giận dữ và ông hỏi một viên cảnh sát xem đang xảy ra chuyện gì. "Lỗi tại ông ta", cảnh sát đáp và chỉ tay về phía con đường dẫn tới khách sạn Hope Street - nơi một đám đông khổng lồ đã tụ tập trước trận đấu trên sân nhà của Liverpool. HLV Klopp đã ở đó và mải miết ký tặng.

Khi đó, Nelson mới bình tĩnh lại. Ông là chủ của quán rượu đã hoạt động suốt 21 năm nay, nơi được coi là phao cứu sinh của những công nhân cảng Liverpool bị thất nghiệp. Ông cũng là một Liverpudlian, từng thường xuyên đến sân cổ vũ đội nhà. Nhưng thói quen ấy đã kết thúc vào một lúc nào đó trong những năm 1980, khi những thứ khác trong cuộc sống bỗng trở nên quan trọng hơn. Cả cuộc đời của Nelson đã cống hiến cho cảng Liverpool, và ông phải kiếm kế mưu sinh bởi suy thoái kinh tế thổi bay hàng nghìn công việc ở cảng biển này.

Liverpool trở nên giàu có, nhưng cũng phải trả giá vì những mâu thuẫn to lớn trong xã hội, sự phân chia tầng lớp vì khác biệt giàu nghèo và tôn giáo. Những khu ổ chuột khổng lồ bị xem như những vết mụn nhọt trên cơ thể của đô thị giàu có này.

Cảng biển tấp nập trước Thế chiến II ảnh hưởng lớn đến bối cảnh địa - chính trị của thành phố Liverpoool cũng như bóng đá về sau.

Điều làm nên danh tiếng của thành phố Liverpool không phải bóng đá hay ban nhạc The Beatles, mà là cảng biển phi thường của nó. Thành phố này từng là đô thị quan trọng thứ hai sau thủ đô London trong đế chế Vương quốc Anh. Nó xây dựng sự giàu có từ việc buôn bán nô lệ và hoạt động xuất nhậu khẩu đi khắp nơi trên thế giới, đồng thời là cửa ngõ nhập cư lớn.

Nhưng Thế chiến II đã làm thay đổi tất cả. Nó buộc các gia đình phải rời các khu ổ chuột trong nội thành để sống trong các khu tái định cư rộng lớn mới ở vùng Kirkby và Speke. Gia đình của các công nhân sống chung cùng với nhau và họ mau chóng tìm được những điểm chung. Điều này dẫn đến việc các ông chủ trong ngành công nghiệp cảm thấy áp lực lớn.

Tuy nhiên, sự thống nhất đó cũng xuất hiện cùng với thời kỳ cảng biển Liverpool bị thu hẹp do sự sụp đổ của đế chế Anh và sự trỗi dậy của Liên minh châu Âu.

Nền thương mại lạc hướng của đất nước và sự xuất hiện của các cảng biển mới ở phía Đông Nam nước Anh đã khiến cảng biển Liverpool đánh mất vị thế. Họ xa lạ với công nghệ vận tải hàng hải mới, ví dụ như vận chuyển bằng các container.

Chính phủ Anh thời đó nằm dưới sự lãnh đạo của nữ Thủ tướng Margaret Thatcher và đảng Bảo Thủ. "Bà đầm thép" ủng hộ chính sách "giảm sự can thiệp thái quá" của Nhà nước tới nền kinh tế. Điều này đã tác động tiêu cực to lớn đến Liverpool vào năm 1981, khiến tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Người Liverpool bắt đầu phản kháng chính sách và hệ thống chính trị của Thatcher kể từ đó.

Dù các vấn đề trầm trọng của Liverpool đã nảy sinh từ những năm 1970, Nelson vẫn nhớ đến thập kỷ này như một thời đại đầy hứng thú, vì đó là điểm khởi đầu của ông trong việc trở thành công nhân cảng Liverpool và tận hưởng niềm vui tại Anfield.

Năm 1973, khi Liverpool đứng trước cơ hội vô địch giải VĐQG lần đầu tiên sau 7 năm, đó cũng là lúc Nelson được tuyển dụng bởi công ty Victoria Line Line ngay trước sinh nhật thứ 16. Nelson làm việc ca đêm và phụ trách việc kiểm tra thời gian làm việc và tiền lương của công nhân.

Điều này đã đưa ông tiếp xúc gần gũi với giới công nhân ở bến cảng. Đó là những người đàn ông có quan điểm chính trị, xã hội và tính cách cứng rắn một cách ghê gớm, như được đẽo ra từ đá vôi Mersey.

Khi trong giai đoạn thử việc, Nelson chứng kiến sự kiện nhà lãnh đạo Chile là Salvador Allende bị Đại tá Augusto Pinochet lật đổ. Ông đã thấy nhiều thuỷ thủ Chile từ chối lên tàu rời Liverpool để trở về nhà vì sợ biệt đội tử thần của nhà độc tài Pinochet.

Nelson cho rằng thành công của Liverpool là bằng chứng cho nguyên lý "chúng ta sẽ không từ bỏ".

Một chiến dịch tị nạn đã được thực hiện để đảm bảo cho các thuỷ thủ Chile sinh sống an toàn tại đây. Một trong những thủy thủ đó là Julio Arellano, người đã đóng góp vào tấm thảm văn hóa phong phú của thành phố Liverpool bằng cách mở một nhà hàng mang tên thành phố cảng Valparaiso của Chile trên đường Hardman trong gần 25 năm qua.

Chính bối cảnh chính trị này và những câu chuyện như thế này khiến cho Nelson và nhiều người dân Liverpool cảm thấy họ có mối liên hệ với phần còn lại của thế giới hơn là với phần còn lại của nước Anh. Nelson thường uống trong quán rượu Dominion, nơi ông thường tán gẫu với các công nhân khác - những người đã rủ ông đi xem các trận đấu của Liverpool.

Sau những trận đấu, cũng như cánh cầu thủ vừa trở về từ nơi xa, Nelson và những CĐV Liverpool khác tụ tập tại các quán rượu nằm dọc đường Walton Breck. Khi rượu vào thì lời ra. Họ kháo nhau những câu chuyện bóng và về những thành phố xa lạ như Manaus hay St Helens. Trong tâm trí của Nelson, sau khi mở rộng, Liverpool trở thành một thành phố kỳ lạ.

Tình yêu của Nelson dành cho thành phố và CLB Liverpool ngày một lớn. Chàng trai kế toán hôm nào giờ đã thành cánh hẩu với những người hâm mộ "The Kop" có tuổi đời gấp đôi, gấp ba ông.

Liverpool có vẻ như là một CLB bóng đá bị chính trị hóa nhiều hơn sau thảm hoạ Hillsborough. Nhưng nghe Nelson kể chuyện, ta mới hiểu rằng yếu tố chính trị đã thâm nhập vào Anfield từ lâu trước khi thảm hoạ này xảy ra, và vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ với chính quyền thành phố.

Nelson cho rằng các công nhân bến tàu ở New York hoặc Mombasa cũng phải đối mặt với thực tế tương tự như ở Liverpool và điều này đã giúp thúc đẩy mối liên minh trong ngành công nghiệp cảng biển trên khắp thế giới theo trật tự cũ.

Quá trình "chính trị hóa" từ giữa những năm 1950 và 1970 ngày một gia tăng mạnh mẽ do những tranh chấp ở bến cảng Liverpool và các nhà máy xe hơi. Quan điểm chính trị đã được các công nhân đem từ bến cảng vào các sân bóng trong thành phố trong những ngày cuối tuần, từ Anfield đến Goodison Park của CLB Everton.

Vào những chiều thứ Bảy, Nelson thường dừng công việc vào lúc 13h chiều và hành quân đến Anfield bằng cách băng qua phố Bến Cảng và phố Derby, đi đến đài phun nước Lane hoặc đường Lambeth. Ở đó, có hàng ngàn CĐV Liverpool đang tụ tập.

Nelson cho rằng danh tiếng của The Kop về những bài hát cổ vũ cũng xuất phát từ văn hoá ca hát ở bến cảng vì các công nhân ở đây rất thích hát. Vào ngày có trận đấu, những CĐV sẽ bắt đầu hát trong quán rượu. Sau một vài cốc, tiếng hát càng vang lên dữ dội, như làm rung chuyển cả mặt đất.

Bóng đá trở thành niềm tự hào lớn nhất của Liverpool, trong những năm tháng khó khăn kinh tế dưới thời "Bà đầm thép" Thatcher. Ảnh: Liverpool Echo.

Những ngày đó, có rất ít CĐV nữ và CĐV nhí đến Anfield. Những CĐV da đen còn hiếm hơn. Anfield là thánh địa của Nelson và khoảng 25.000 công nhân, những người cùng đứng chung trong một công đoàn, và điều đó đem lại sự đoàn kết tuyệt đối.

Với Nelson và bè bạn, một trận bóng đá chính là điểm dừng hoàn hảo cho một ngày cuối tuần. Nó cho những người công nhân có điều gì đó để chờ đợi. Khi Liverpool thi đấu tốt, bầu không khí vui vẻ tràn ngập khắp thành phố. Vào thập niên 1970, bóng đá chính là hơi thở của người dân.

Nhưng điều đó đã biến mất trong thập niên 1980. Thành phố Liverpool bị bao vây bởi tỷ lệ thất nghiệp 40%, bởi sự kỳ thị chủng tộc, bạo loạn và đại dịch bệnh ma tuý.

Bóng đá trở thành "biện pháp cuối cùng" để bày tỏ sự phản kháng, nhưng không phải ai cũng có thể yên tâm ngồi tận hưởng một thập kỷ thành công nhất của bóng đá Liverpool, với sự thống trị nổi trội của cả Liverpool lẫn Everton.

Điều này được phản ánh qua số lượng khán giả đến sân tại cả Anfield và Goodison Park với tỷ lệ sụt giảm đều đặn là 40% mỗi mùa. Người ta không thể xem bóng đá với cái bụng đói và đoàn tàu há mồm ở nhà.

"Tôi không thể đi xem bóng đá đều đặn nữa. Không phải vì lý do tiền bạc hay thời gian", Nelson nói. Nhưng tất nhiên, bóng đá vẫn tồn tại bên cạnh bến cảng. Hai thứ này đem lại sự tự hào tuyệt đối và là đề tài nói mãi không chán của người dân Liverpool.

"Bóng đá có vẻ như là thứ cuối cùng mà chúng tôi có thể khoe khoang. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn ăn mừng rất to mỗi khi đạt thành tựu. Nó cũng như trong đạo Thiên chúa vậy, các gia đình vẫn phải có những bữa tiệc lớn trong những dịp lễ trọng, bất chấp cuộc sống đầy bất trắc. Đó là cách chúng tôi nhắc nhở đám thù địch rằng, chúng tôi sẽ không biến mất".

Steve Rotheram cũng là tín đồ của Công giáo Ireland nhờ bà mẹ mộ đạo. Ông 28 tuổi khi Liverpool vô địch nước Anh lần gần nhất. Ông không nhớ những buổi lễ ăn mừng chiến thắng bởi chúng đã nhạt nhoà bởi những thành tựu lớn trước đó.

Đó là chức vô địch nước Anh thứ 11 trong 17 mùa giải và ông chỉ nghĩ rằng: "Ồ, sang năm chúng ta sẽ lại vô địch thôi". Con trai của Rotheram, là Steve, giờ 28 tuổi và đầy trầm tư. Hai cha con họ so sánh những trải nghiệm của mình khi cùng ủng hộ Liverpool.

Chức vô địch gần nhất của Liverpool đến ở năm 1990, hai năm trước khi Ngoại hạng Anh ra đời. Ảnh: Shutterstock.

"Nó không biết điều đó như thế nào". Điều đó mà ông bố Rotheram nhắc đến chính là Chén Thánh đầy khao khát: Những danh hiệu vô địch mà HLV Bill Shankly đã đem về.

Steve không biết cảm giác vô địch như thế nào, và anh luôn thèm khát đạt được thứ được coi là Chén Thánh: danh hiệu giải đấu, thứ mà dưới thời Bill Shankly được bố Rotheram của anh gọi theo cách khiêm tốn hơn nhiều - như bánh mì và bơ.

Giống Nelson, ông Rotheram nghĩ rằng, những năm 1980 là một thập kỷ xác định vị trí của thành phố Liverpool trong lịch sử. Thập kỷ đó đã kết thúc với thảm hoạ Hillsborough, nơi 96 khán giả đã bị giẫm đạp cho đến chết.

Sự dối trá của chính quyền và lớp sương mù sai lệch bao phủ sự kiện này đã có tác động lâu dài, ảnh hưởng nặng nề đến cách mà nhiều người ngoài cuộc nhìn về hình ảnh của CLB Liverpool và các Liverpudlian. Nhưng người dân Liverpool biết những gì đã thực sự xảy ra và họ đã bảo vệ sự thật.

Rotheram thấy rằng, đã có nhiều quan điểm về thảm hoạ này thay đổi kể từ khi Hội đồng Độc lập Hillsborough đưa ra những phát hiện mới trong việc điều tra về thảm hoạ này năm 2012 và một vụ tố tụng về việc giết người trái pháp luật được tiến hành vào năm 2015, nhưng ông biết rằng, để đi tới chân lý cuối cùng, những CĐV như ông còn phải làm rất nhiều.

CĐV già này có một vé cả mùa ở tầng trên của khán đài Sir Kenny Dalglish. Ông cũng là thị trưởng thành phố Liverpool. Cách đây không lâu, ông đã tới Manhattan để gặp Michael Bloomberg, cựu thị trưởng thành phố New York với hy vọng thu hút đầu tư. Ông đã ở đó với các đại biểu đến từ vùng Greater Manchester, West Midlands và Thung lũng Tees.

Rotheram xem chức vô địch của Liverpool mùa này là một sự giải thoát cho nhiều thế hệ CĐV Liverpool bị dồn nén vì cơn khát danh hiệu Ngoại hạng Anh.

"Mọi người từng nói về Liverpool. Tự bản thân cái tên Liverpool đã thu hút sự quan tâm của mọi người nhờ lịch sử của mình. Liverpool có mối liên kết chặt chẽ với New York vì những người nhập cư Ireland đã đến đó từ bến cảng này. Liverpool có The Beatles, có bóng đá. Liverpool là một thương hiệu rất nổi tiếng ở phạm vi quốc tế. Trên toàn cầu, Liverpool rất nổi danh nhưng tại nước Anh, cái tên đáng tự hào này bị coi như 'thuốc độc' với một vài địa phương nào đó. Tôi rất muốn thay đổi điều đó, chỉ buồn là sức mạnh tài chính hạn chế", Rotheram nói.

Tại sao cái tên Liverpool về mặt thành phố lại mang ý nghĩa tiêu cực? Văn phòng của thị trưởng Rotheram đã thực hiện các cuộc khảo sát ở Manchester và London để tìm hiểu về vấn đề này. Các kết quả cho thấy, những người được khảo sát trẻ tuổi nghĩ rằng Liverpool là một nơi năng động. Đàn ông da trắng trên 45 tuổi có xu hướng nghĩ khác, bởi họ vẫn còn nghi ngờ về các vụ bạo động Toxteth, dù nhiều nơi khác ở nước Anh cũng xảy ra bạo động.

Họ cũng có ác cảm với Liverpool vì thiên hướng chính trị cánh tả, vì thảm hoạ Heysel và Hillsborough. "Nhìn chung, với những ai chưa từng đến Liverpool, họ thường có cái nhìn nhợt nhạt về thành phố này", Rotheram kết luận.

Những biến cố trong thập niên 1980 hình thành lên những định kiến về Liverpool, nhưng thập kỷ đó cũng đã củng cố bản sắc địa phương. Không có khu vực nào bị tàn phá nhiều như Liverpool, trong thời kỳ hậu công nghiệp dưới thời Thatcher.

CĐV Liverpool hát You Never Never Alone mừng chiến thắng
 
 
Fan Liverpool hát bài truyền thống của CLB "You'll Never Walk Alone" để mừng chức vô địch trong ngày 25/6.

Rõ ràng, ở Liverpool, người dân có những chuỗi ký ức dài về những cuộc biểu tình của công nhân cảng biển và thảm hoạ Hillsborough. Họ phớt lờ những kẻ căm thù họ - những người bị dân Liverpool gọi với cái tên "Tory". Nếu bạn đến đây và bị phát hiện là một Tory, cả thành phố sẽ xa lánh bạn.

Ngay khi nước Anh dưới sự lãnh đạo của phe cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử năm 1983, Liverpool lập tức đã đi theo hướng ngược lại và hìnht hái này đã đã diễn ra trong ba cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Rotheram không đơn độc khi nghĩ rằng những năm 2010 đã làm vững chắc hơn quan điểm chính trị ở Liverpool.

Trước đây, việc ca tụng chính trị không có chỗ ở Anfield thì giờ nó xuất hiện nhiều hơn. Những năm 1980 vẫn còn liên quan đến CLB Liverpool hiện tại, bởi chức vô địch gần nhất của họ, trước mùa này, là mùa 1989-1990, mùa giải của năm cuối cùng ở thập niên này. Đó cũng là năm mà cả vùng Merseyside mãi mãi gắn liền với một sự kiện.

Không có công lý, thành phố Liverpool đã không thể tiến lên và không có danh hiệu vô địch Anh. Người hâm mộ Liverpool, và cả Everton - đội vô địch lần gần nhất vào năm 1987, sẽ bị liên tục giam cầm bởi bóng ma quá khứ.

Gần 40 năm đã trôi qua, nhiều người ở Liverpool nhận ra nước Anh chưa bao giờ có thể thoát khỏi những năm 1980, bởi các biện pháp kinh tế được áp đặt trong thời gian đó vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân sau bốn thập kỷ.

Người hâm mộ của những CLB đối nghịch vẫn thường hát về sự thất nghiệp và nghèo đói của người dân vùng Merseyside, bất cứ khi nào đội bóng của họ đấu Liverpool hoặc Everton, dù những CLB này có thể đến từ các thành phố, thị trấn có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao hơn. Sự kỳ thị dân Liverpool từ những năm 1980 vẫn cứ được truyền từ đời này sang đời khác.

"Chúng tôi đã trải qua 10 năm dưới thời cai trị của Tory", Rotheram nói. "Chúng tôi có liên minh với chính phủ của Thủ tướng Cameron, chính phủ của Thủ tướng May và giờ là chính phủ của Thủ tướngJohnson. Liverpudlians là những người có bản chất lạc quan nhưng cũng rất duy tâm. Tôi nghĩ các Tory luôn cố gắng làm tiêu tan hy vọng mà chúng tôi có".

Tuy nhiên, phải thấy rằng lịch sử đang có dấu hiệu lặp lại. Dù HLV Klopp đã biến Liverpool trở thành một trong những đội bóng đáng sợ nhất ở châu Âu và đội bóng đó sẽ là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong lịch sử của CLB, vùng Merseyside đã phải chịu những cắt giảm hỗ trợ tài chính lớn nhất từ chính quyền trung ương kể từ năm 2010.

Khó khăn về kinh tế càng khiến người Liverpool thêm tự hào với những thành công mà đội nhà đoạt được dưới trướng Klopp, đỉnh điểm là danh hiệu Ngoại hạng Anh hôm 25/6.

Nhưng Rotheram cho rằng việc bị cắt giảm ấy càng khiến người Liverpool thêm tự hào về CLB bóng đá của họ. Thành công của bóng đá chính là sự báo thù lớn nhất.

Jamie Webster sinh năm 1994, có nghĩa là anh chỉ một tuổi khi Liverpool đoạt Coca-Cola Cup. Anh lên hai tuổi khi Liverpool thua trận chung kết Cup FA và tròn mới 10 tuổi khi chiến tích Istanbul xuất hiện vào năm 2005 (chung kết Champions League thắng Milan). Lúc đó, có thể anh vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của chiếc Cup mà Webster chứng kiến đội trưởng Steven Gerrard đang nâng trên tivi. Những CĐV trẻ tuổi của Liverpool cũng có chung cảm nhận như Webster.

"Ông tôi vẫn dạy tôi rằng, Liverpool là một thế lực không thể ngăn cản", Webster kể. "Ông nói Liverpool hay nhất nước Anh, hay nhất châu Âu. Nhưng sau đó, tôi xem Man Utd giành hết cup Ngoại hạng Anh này đến Cup Ngoại hạng Anh khác. Rồi tới lượt lượt Chelsea làm điều tương tự. Nhưng rồi phép màu Istanbul đã xuất hiện và nó là sự kiện đặc biệt. Lần đầu tiên tôi biết CLB của mình tuyệt vời. Vào giai đoạn cuối của thời kỳ của HLV Rafa Benitez, Liverpool đã gần như là một đội bóng tuyệt vời. The Kop từng làm mụ mị đầu óc tôi. Nhưng trong suốt những năm tháng thiếu niên, chúng tôi đã thường hụt hẫng. Chúng tôi vẫn chỉ là kẻ thách thức. Tôi ghen tị với người hâm mộ Man Utd, Chelsea và Arsenal. Họ đã được ăn mừng chức vô địch Ngoại hạng Anh cùng đội bóng".

Trận đấu cuối cùng ở mùa trước, khi Brighton vượt lên dẫn trước Man City, và trong một khoảnh khắc, Anfield bắt đầu tin rằng danh hiệu vô địch đang trở lại Merseyside. Webster đứng trên khán đài chính và khóc. "Cơ thể tôi run rẩy. Tôi giống như đang bay trên trời cao nhờ những liều kích thích phê pha. Chúng tôi sẽ đá chung kết Champions League với Tottenham, và chúng tôi đã có một buổi biểu diễn tối nay. Cảm xúc vô địch đó đã tồn tại đúng 50 giây, cho đến khi Man City gỡ hoà. Tôi và các CĐV Liverpool khác như bị đánh cắp", anh kể.

Sang mùa này, Liverpool và người hâm mộ của họ cũng đã trải qua những khoảnh khắc căng thẳng. Đó là lần làm khách của Aston Villa, của Leicester City, hay tiếp Man City, Man Utd. Nhưng Liverpool vẫn không ngừng chiến thắng. Và hôm nay, ở tuổi 26, Webster có thể ăn mừng chức vô địch và kết thúc cuộc chờ đợi dài cả tuổi xuân. Sau khi Man City thua Chelsea 1-2, Liverpool đã lên ngôi vô địch.

Sự nghiệp của Webster cũng khởi sắc theo sự đi lên của Liverpool. Ba năm trước, anh là một ca sĩ chỉ nổi tiếng trong giới CĐV Liverpool. Sau những trận đấu lớn tại Anfield, anh đã biểu diễn tại các show ca nhạc trong trung tâm thành phố. Vào năm 2018, sau thất bại tại Old Trafford, mạng xã hội lan truyền một đoạn video Webster cứ mải mê hát "Allez Allez Allez" và clip này đã trở nên nổi tiếng. Đột nhiên, CLB Liverpool mời anh đến biểu diễn cho đội bóng của HLV Klopp.

Bây giờ, giọng hát của Webster đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới: Bắc Mỹ, Australia, Đông Nam Á, Trung Đông, Scandinavia. Đây là những gì Liverpool có thể làm thay đổi cuộc sống của một CĐV bình thường. Bây giờ, đi đâu người ta cũng nhận ra Webster và yêu cầu anh hát, xin chữ ký, xin chụp ảnh chung.

Sáu giờ sau khi hạ cánh xuống sân bay John Lennon sau khi theo chân tour du đấu Mỹ của Liverpool ở mùa Hè 2019, Webster đã suy nghĩ nghiêm túc về sự nghiệp của bản thân, và từ đó anh đã ký một hợp đồng thu âm. Nếu không vì nCoV, album "We Get By" sẽ được phát hành khắp thế giới vào tháng 8 năm nay.

Với những fan trẻ như Webster, những chiến thắng của Liverpool tạo cảm hứng lớn lao để anh tìm lẽ sống trong cuộc đời.

Webster nói rằng, đĩa đơn đầu tiên của anh, về cơ bản sẽ kể về thành phố Liverpool không bao giờ bị lãng quên, dù bạn có đi đâu trên thế giới hay bạn làm gì. Anh đã nhận ra thách thức lớn nhất của bản thân, bây giờ lại liên quan đến CLB mà anh ủng hộ.

Rất nhiều người hâm mộ Liverpool muốn nghe các bài hát liên quan đến bóng đá của Webster, và anh chàng này sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để giành được sự tin tưởng nơi người hâm mộ các CLB khác. Hiện tại, Webster có một lượng fan khổng lồ, và kinh nghiệm biểu diễn trước 20.000 người.

Một số ca khúc của Webster miêu tả Liverpool như một chốn về. Nó từng khiến anh thất vọng vì các vấn đề xã hội. Nhưng không vì thế mà anh ghét nó, ngược lại, chốn về đó sẽ khiến mọi người nỗ lực lao động để xây dựng nó. "Không có vấn đề gì nếu bạn là thợ xây ở Liverpool hay London, chúng ta có nhiều điểm chung hơn bạn nghĩ".

Đối với một số CLB, bóng đá đồng nghĩa với kết quả và thành tích. Ở Liverpool, bóng đá còn là bữa tiệc của người dân. Bóng đá ở Liverpool thực sự có thể là một lối thoát cho thành phố.

Bởi vậy, Liverpool cần chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên để cứu cả thành phố này!

Trâm Anh (theo The Athletic)