Một ngày trước trận tứ kết lượt đi Champions League giữa Real và Liverpool, trên tờ The Times, Rafa Benitez - HLV từng dẫn dắt cả hai đội - cho rằng "nhịp độ triển khai bóng" định đoạt cuộc thư hùng tại Alfredo di Stefano (sân nhà của Real, trong lúc Bernabeu đang tu sửa).
"Chìa khóa cho trận đấu này nằm ở nhịp độ bóng được triển khai", Benitez giải thích. "Nếu Liverpool quyết liệt ở giữa sân, họ có thể khiến Real gặp khó khăn, bởi đội bóng Tây Ban Nha không thường tổ chức tấn công với tốc độ cao như Liverpool. Real đề cao sự chính xác trong khâu chuyền bóng, và vì thế họ sẽ muốn duy trì quyền kiểm soát bóng. Luka Modric và Toni Kroos đều có đầu óc tư duy và phản ứng nhanh, Liverpool không được để họ thoải mái chơi bóng".
Trừ việc không lường trước được việc trung vệ Real Raphael Varane vắng mặt vì mắc Covid-19 chỉ ít giờ trước bóng lăn, những gì Benitez phân tích gần như đều đúng. Ông đã cảnh báo đúng về sức mạnh của Real. Hay nói cách khác, thầy trò Klopp đã không tận dụng được lợi thế từ việc Real mất cả hai trung vệ quan trọng nhất - Varane và Ramos. Thậm chí còn tệ hơn, Liverpool bị khuất phục hoàn toàn.
Nhưng khi tất cả gần như chỉ nói về mất mát Real nơi hàng thủ, đồng thời dự báo về một thế trận khó khăn dành cho đoàn quân của Zidane, mọi người lại quên đi một chi tiết quan trọng. Đó là Liverpool, cả mùa này, đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân sự, khiến toàn bộ cách vận hành lối chơi của họ bị hỏng hóc.
Ba chiến thắng liên tiếp trên mọi đấu trường, trong đó có màn huỷ diệt Arsenal 3-0 ở trận gần nhất, tạo cảm giác Liverpool bắt đầu hồi sinh. Nhưng bên kia chiến tuyến, sau chuỗi ngày đầu năm sa sút, từ đầu tháng 2 tới trước khi tiếp Liverpool, Real bất bại, trong đó thắng tới chín trận. Nếu Liverpool bắt đầu ổn, Real cũng như thế, nếu không nói là ổn hơn. Real mất hai trung vệ thép, nhưng Liverpool cũng đang phải sử dụng Nathaniel Phillips và Ozan Kabak nơi trung tâm hàng thủ.
Tại sao lại chỉ nói về khả năng tận dụng lợi thế của Liverpool, chứ không phải của Real? Mà vốn dĩ lợi thế ấy có thật sự tồn tại? Có chăng, việc mất đi Ramos lẫn Varane ngay từ đầu nên được nhìn nhận một cách khiêm tốn là "cơ may tìm kiếm một kết quả thuận lợi trên sân khách" đối với Liverpool. Liệu có phải vì hầu hết đều tin rằng Klopp là một bậc thầy chiến thuật, trong khi Zidane không nổi trội ở khía cạnh này? Nếu đúng là như vậy, thì 90 phút bóng lăn vừa qua đã khiến tất cả phải suy ngẫm lại.
Zidane sau trận đấu đã mổ xẻ như thế này: "Ngay cả khi Varane phải ngồi ngoài, chúng tôi vẫn không thay đổi kế hoạch. Mọi thứ vẫn giữ nguyên, có chăng là thay Varane bằng Militao. Kế hoạch ngay từ đầu là chơi với hệ thống 4-3-3 có Varane trong đội hình. Không có Varane, chúng tôi vẫn giữ nguyên cấu trúc đó, chỉ thay đổi con người".
HLV người Pháp còn chỉ rõ: "Chúng tôi biết những đường chuyền dài hướng về phía trước sẽ có giá trị như thế nào. Chúng tôi cũng biết các hậu vệ cánh của họ hay dâng cao tấn công. Có những khoảng trống chúng tôi cần phải khai thác thật tốt. Vì thế, với kỹ thuật của Kroos và tốc độ của Vinicius, chúng tôi đã mở tỷ số bằng một bàn thắng tuyệt hảo."
Học trò của Zidane, Lucas Vazquez - vốn là một tiền đạo cánh nhưng được kéo về đá hậu vệ phải - thì khẳng định: "Điểm mạnh của chúng tôi là kết hợp giữa việc duy trì quyền kiểm soát bóng với những đường chuyền dài ra sau hàng thủ đối phương dành cho Asensio hoặc Vinicius. Để làm được điều đó, chúng tôi có Modric và Kroos".
Asensio cũng đồng tình với những gì ông thầy và đồng đội phát biểu. Tiền vệ người Tây Ban Nha nói: "Chúng tôi biết mình phải tấn công vào khoảng trống sau lưng các hậu vệ cánh của họ, và kế hoạch đã diễn ra suôn sẻ".
Thay vì hồ nghi về những phát biểu sau cuộc chơi của kẻ thắng trận, mà phần đông sẽ đánh giá "thắng rồi nói gì chẳng được", hãy tin rằng ý định ngay từ đầu của thầy trò Zizou là như thế và họ không chỉ nắm bắt vấn đề của Liverpool, mà còn hiểu rõ sức mạnh bản thân. Những gì các học trò của Zidane đã làm, cũng là cách mà rất nhiều các đội bóng khác đã từng áp dụng, để biến mùa giải này trở nên thảm họa với Liverpool.
Một trong những chỉ dấu trong cách vận hành lối chơi của Liverpool thời Klopp chính là khối đội hình của họ luôn dâng cao, gần như đến tận vạch giữa sân. Tìm cách bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ cũng là cách giúp chính mình không phải chạy quá nhiều trong khâu pressing đoạt lại bóng. Lùa một bầy vịt được khoanh vùng dễ hơn lùa chúng trên cả một cánh đồng.
Đương nhiên, cách chơi ấy luôn tiềm ẩn nguy cơ với những khoảng trống mênh mông chết người bị bỏ lại phía sau hàng thủ. Chỉ cần đối thủ thoát pressing thành công, một đường bóng dài thả quả bóng vào khoảng trống ấy, khung thành Alisson Becker liền đứng trước nguy hiểm.
Đội hình dâng cao có thể trở thành nguyên nhân cho thất bại, nhưng đó cũng là lý do giúp Liverpool gặt hái thành công. Họ đã chơi như vậy, từng thành công nhờ nó. Chắc chắn Liverpool không việc gì phải từ bỏ, bởi mọi thứ đã được định hình. Nhưng Liverpool thừa hiểu đối thủ có thể nhìn ra điểm yếu có thể khai thác được từ họ, và Liverpool sẽ luôn tìm cách ngăn không cho đối phương khai thác thành công. Nhìn ra được và khai thác được là hai chuyện khác nhau.
Hãy ngược dòng thời gian một chút, quay lại hồi đầu mùa giải này. Sau trận thua Aston Villa 2-7 hồi tháng 10/2020, Klopp đã thừa nhận: "Với những tình huống đối phương tìm cách đưa quả bóng ra sau lưng hàng thủ chúng tôi, chúng tôi biết cách phòng thủ như thế nào. Chúng tôi thường tổ chức pressing (gây áp lực) lên cầu thủ cầm bóng của họ. Nhưng hôm nay, chúng tôi đã không làm được".
Mọi kế hoạch dù hoàn hảo cách mấy, khi áp dụng trên sân, đều có sai số. Huống hồ, bóng đá là cuộc chơi đầy rẫy những biến số. Việc để cầu thủ làm bóng của đối phương có đủ không gian, thời gian quan sát và tung ra đường chuyền tạo cơ hội, là thứ mà HLV người Đức cùng các học trò luôn tìm cách hạn chế tối đa. Song, họ đã liên tiếp mắc sai lầm và không làm được qua nhiều trận đấu của mùa giải này. Chúng diễn ra không chỉ trước Aston Villa, mà còn trước Leeds Utd, Arsenal,... và mới nhất là trước Real Madrid.
Có nhiều lý do giải thích cho sự bất thành của Liverpool trong khả năng thực thi những thứ mà vốn dĩ họ đã từng rất giỏi, nhưng giờ lại làm rất dở. Nó xuất phát từ một chuỗi domino thảm họa ập đến đội chủ sân Anfield trong mùa giải này. Viên domino đầu tiên bị xô ngã chính là chấn thương của Virgil van Dijk.
Mất trung vệ người Hà Lan, Liverpool mất đi một cầu thủ mang đến sự an tâm gần như tuyệt đối trước khung thành Alisson Becker. Van Dijk, với tầm vóc cơ thể, tốc độ, sức mạnh cùng khả năng đọc tình huống xuất sắc, giúp đội bóng của Klopp hóa giải những đợt lên bóng dài và phản công của đối thủ. Đội hình cứ mặc sức dâng cao, những khoảng trống bỏ lại đã có Van Dijk quán xuyến hết.
Nhưng để giúp Van Dijk nói riêng và hàng thủ nói chung không phải thường xuyên chịu áp lực, vì rõ ràng, nếu bị thử thách liên tục, đến một lúc nào đó sai lầm ắt sẽ phải đến, khả năng tổ chức vây ráp, gây áp lực của những cầu thủ ở phía trên, nhất là hàng công trở nên quan trọng. Không cho đối thủ có thời gian suy nghĩ tìm kiếm khoảng trống và chơi bóng cũng là cách giúp Liverpool sớm đoạt lại quyền kiểm soát bóng để tổ chức phản công. Thứ bóng đá gengenpressing của Liverpool là như vậy.
Những chấn thương của Gomez, Matip rồi Henderson khiến tình thế thêm hiểm nghèo với Liverpool. Klopp phải loay hoay điều chỉnh lại tất cả qua mỗi trận - việc mà ông thừa nhận là chưa hề trải qua trong cả sự nghiệp cầm quân. Những cách lắp ghép liên quan đến vị trí của Thiago hay Fabinho khiến Liverpool mất đi sự ổn định cần thiết trong cấu trúc đội hình. Hàng công của họ mùa này cũng không đạt phong độ tốt nhất, cả ở khâu ghi bàn lẫn hỗ trợ phòng ngự từ xa.
Chuỗi domino ấy trở thành tiền đề giúp các đối thủ giờ đây dễ dàng gây khó dễ hơn với Liverpool. Phần còn lại, tùy thuộc vào chất lượng khai thác của họ. Real thì lại quá giỏi ở khoản này.
Tình huống Toni Kroos thoải mái ra hiệu, rồi vung chân phất đường bóng dài vào khoảng trống ở giữa và phía sau hai trung vệ của Liverpool, để Vinicius thoát xuống dứt điểm thành bàn trở thành minh chứng rõ ràng nhất.
Một khi bạn để một bậc thầy chuyền bóng dài như Kroos có đủ không gian và thời gian với quả bóng, coi như bạn xong đời, nhất là khi bạn đã luôn trung thành với cách chơi dâng cao đội hình bất kể nhân sự hàng thủ không phải là những con người tốt nhất. Ngay từ điểm khởi phát là Kroos, Liverpool đã không thể ngăn chặn được, bởi cả Sadio Mane hay Diogo Jota trong pha bóng đó, đã không gây áp lực kịp thời lên tiền vệ người Đức.
Đấy chính là yếu tố "nhịp độ" mà Benitez đề cập trước trận. Liverpool không đủ nhanh và đủ quyết liệt để gia tăng "nhịp độ" như mong muốn. Nhờ thế, Kroos và Real có được "nhịp độ" vừa đủ để triển khai bóng. Những đường chuyền dài đưa quả bóng hướng về phía trước của Kroos xưa nay đã là một di sản của làng túc cầu. Anh dùng chúng để không chỉ làm bóp méo khối đội hình đối phương, kéo dãn chúng ra, mà còn đặt các đồng đội vào bệ phóng ghi bàn. Cả trận đấu, Kroos tung ra tổng cộng chín đường chuyền dài, chủ yếu là sang hai cánh và ra sau lưng hàng thủ Liverpool. Anh đạt độ chính xác tuyệt đối 100%.
Một đường chuyền để được ghi nhận là chính xác (hay thành công) thì nó phải đến được với đồng đội của người chuyền. Nói như vậy cho thấy, những điểm nhận bóng từ 9 đường chuyền dài của Kroos đều tiếp bóng chính xác, đều không vấp phải sự ngăn chặn nào của Liverpool, hoặc nếu có thì họ đều vượt qua thành công.
Liverpool không chỉ thất bại trong việc ngăn chặn người làm bóng, họ còn không thể chặn đứng đòn kết liễu. Phillips và Kabak có thể đã chơi ổn trong vài trận gần đây, nhưng xét về tầm vóc cho một sân chơi như Champions League, họ vẫn còn non. Trước một Vinicius là cầu thủ có tốc độ đỉnh cao thứ hai La Liga (35,1km/h) và có kỹ thuật, không dễ để cặp trung về này kịp trở tay. Khoảnh khắc Phillips kịp xoay người lại cũng là lúc Vinicius đã bắt đầu vượt qua anh. Và trong một ngày dứt điểm "không còn là chính mình", Vinicius giúp Real Madrid kết thúc một pha bóng khai thác tối đa sai lầm của đối thủ.
Không cần phải là những bộ óc chiến thuật lỗi lạc để hiểu một điều: Quả bóng lúc nào cũng trôi đi nhanh hơn người đuổi theo nó. Dù bạn có chạy nhanh cách mấy, bạn cũng không thể đuổi kịp một đường chuyền dài. Đó cũng là bản chất của câu nói: Chơi với bóng sướng hơn đuổi theo bóng.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa lối chơi của Liverpool chỉ đơn giản là việc chỉ chạy và chạy đuổi theo bóng. Họ ngược lại, cũng như Man City của Pep Guardiola, cũng như Barca, hay Real Madrid, thích kiểm soát cuộc chơi và áp đặt thế trận. Họ cần sở hữu quả bóng thật nhiều. Và khi đánh mất, họ mới chạy đuổi theo để giành lại nó tức tốc.
Nhưng bây giờ, Liverpool không còn "chạy" để giành lại bóng hiệu quả nữa. Và họ đổ gục trước quy luật về không gian và thời gian mà Toni Kroos làm chủ tại Alfredo di Stefano.
Hoàng Thông