Anh Hai, 23 tuổi, "trưng" khoảng hơn 1.000 con trai mỗi ngày trước ống kính smartphone, đôi khi là máy quay, để phát trực tiếp (live stream). Là chủ một cửa hàng chuyên trang sức ngọc trai có tên UU Pearl, việc làm này cùng những lời giới thiệu sinh động, nhiều khách hàng xem video đã đặt mua lập tức.
Việc live stream bán hàng thu hút nhiều người tại Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ. Ảnh: ScreenGrab. |
Hai tiết lộ, tăng trưởng từ việc mua sắm khi "live stream" chiếm 80% doanh thu cửa hàng nhận được. Vào ngày Lễ độc thân (11/11), việc livestream đã mang về 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.300 USD) doanh thu, gấp 3 lần so với ngày thường cho cửa hàng anh.
"So với cách truyền thống mà tôi từng làm cách đây 2 năm, việc live stream giúp các thương nhân như tôi có thể giới thiệu sản phẩm theo cách tương tác chính xác, chi tiết và có thể giải đáp bất cứ thắc mắc nào gần như lập tức", anh Hai nói.
Cũng theo người này, UU Pearl có 3 nhân viên thay nhau phát trực tiếp, tối đa 16 giờ mỗi ngày theo quy định của nền tảng Taobao. "Nếu không theo quy định này, chúng tôi có thể làm điều đó 24/7", anh Hai nói.
Thành công của UU Pearl trong ngày lễ độc thân chỉ ra tầm quan trọng ngày càng tăng của phát trực tiếp. Theo CNN, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên các nền tảng của Alibaba ngày 11/11 đã xô đổ kỷ lục năm ngoái, với 268 tỷ nhân dân tệ (38,4 tỷ USD). Trong số này, 20 tỷ nhân dân tệ (chiếm 7,5%) đến từ việc live stream.
Các công nhân sắp xếp hàng hóa trong ngày lễ độc thân ở Hợp Phì, An Huy (Trung Quốc). Ảnh: Reuters. |
Mark Tanner, sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, việc live stream ngày càng phổ biến bởi nó có hơi hướng quảng cáo trên TV, nhưng theo cách tương tác và mang tính giải trí nhiều hơn. "Sự tiện lợi đến từ những cú nhấp chuột, bên cạnh đó là niềm vui trước những thứ đang trực tiếp trên màn hình thay vì các nội dung đã được chỉnh sửa và tô vẽ. Chúng càng đạt hiệu quả nếu việc quảng cáo được thực hiện bởi KOL (những người có sức ảnh hưởng)", Tanner nhận xét.
Làm việc trong ngành bất động sản, Zhang Jing, 27 tuổi, đã chi khoảng 5.000 - 6.000 nhân dân tệ trong Ngày độc thân năm nay. Cô đã mua một số sản phẩm trang điểm, chăm sóc da và thực phẩm - những thứ dự định sẽ sử dụng cho đến giữa năm sau. Cô đã xem "live stream" trên Taobao ít nhất một lần một tuần kể từ giữa năm 2018.
"Việc mua bán khi xem trực tiếp rẻ hơn so với ra cửa hàng Tmall. Đôi khi, bạn còn được tặng thêm phần quà miễn phí khác. Ngoài ra, việc thanh toán cũng đơn giản hơn so với các quy tắc phức tạp trên nhiều trang thương mại điện tử", Jing giải thích.
Tuy vậy, nữ nhân viên văn phòng này cũng thừa nhận việc mua bán dễ dàng khiến cô mất kiểm soát trong đặt hàng. "Khi xem trực tiếp, tôi thường cảm thấy phấn khích và mua rất nhiều, dù sau đó sử dụng chẳng bao nhiêu. Điều này thật phí phạm nhưng lại xảy ra thường xuyên", Jang nói. "Trong một số trường hợp, tôi trả lại hàng".
Các công nhân phải sắp xếp và gửi đi lượng đơn hàng khổng lồ ngày 11/11 ở Giang Tô. Ảnh: EPA. |
Theo SCMP, hơn một nửa số thương nhân tham gia ngày Double 11 đã tăng trưởng mạnh về doanh số từ việc "live stream", qua đó kiếm về tổng cộng 100 triệu nhân dân tệ. Số liệu từ Alibaba cũng cho thấy, các giao dịch từ "live stream" đã tăng 400% so với năm ngoái. Đã có 810.000 quả trứng, 1,4 triệu tấn gạo, 76 tấn chất tẩy lỏng được bán trong đợt này, hơn 40% người dùng đã mua sắm trên Tmall bằng giọng nói của chính mình.
Trong khi đó, trên JD.com, lượng hàng hóa giao dịch đạt 204 tỷ nhân dân tệ từ ngày 1 đến 11/11. Số đơn đặt hàng tăng 60% tại thành phố lớn và 70% tại những khu vực khác. Tại Pinduoduo, 1.000 chiếc xe các loại đã được bán chỉ trong 16 phút. Riêng những mặt hàng nông sản cũng đạt doanh thu tăng 220% so với năm ngoái.
Thực tế, hình thức bán hàng thông qua phát trực tiếp tại Trung Quốc xuất phát từ xu hướng mua sắm phương Tây, như một cách để tận dụng sức ảnh hưởng của KOLs. Ví dụ, Amazon trước đó cũng đã ra mắt Amazon Live để hỗ trợ livestream bán hàng.
Trung Quốc - nơi có gần 1,4 tỷ dân - đang trở thành nơi có thể kinh doanh hàng hóa thông qua Internet và thương mại điện tử. Một số chuyên gia đánh giá, "live-stream" đang thu hút lượng người dùng đông đảo ở quốc gia này. Thực tế, livestream ở đây được coi là phiên bản hiện đại của các nền tảng mua sắm qua truyền hình cáp vốn phổ biến những năm 80.
"11/11 ban đầu chỉ đơn giản là ngày 'chống lại lễ tình nhân', nhưng giờ đây những tên tuổi như Alibaba đang tận dụng để biến nó thành ngày mua sắm lớn nhất thế giới. Nó không chỉ thúc đẩy nhà bán lẻ trực tuyến, mà còn các cửa hàng trên toàn Trung Quốc", một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Bảo Lâm (theo SCMP)