Thứ bảy, 9/11/2024
Thứ bảy, 27/1/2024, 16:37 (GMT+7)

Linh vật rồng khắp cả nước

Lưỡng long chầu nguyệt, rồng gỗ phun khói, nhả lửa, rồng từ lu nước... là những ý tưởng làm linh vật chào xuân Giáp Thìn 2024 ở nhiều nơi trên cả nước.

Là chủ nhân linh vật được cộng đồng phong danh hiệu "hoa hậu mèo" Tết Quý Mão 2023, nghệ nhân Đinh Văn Tân, 33 tuổi, ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị tiếp tục được UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa đặt làm linh vật rồng để trang trí Tết Giáp Thìn 2024.

Rồng cao khoảng 4,5 m, thân dài 7 m, màu vàng óng, uốn lượn trên núi đá. Chất liệu chủ yếu là xốp, thạch cao. Trọng lượng 500 kg. "Chất liệu mình dùng để thuận lợi cho khâu vận chuyển vì đường khá xa", anh Tân nói.

Linh vật sẽ được đưa đến trưng bày tại công viên trung tâm của thị trấn Lao Bảo, gần cửa khẩu biên giới Lào. Ảnh: Võ Thạnh

Mô hình Lưỡng long chầu nguyệt ở công viên trên đường Quang Trung, đối diện biển bãi Trước TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Rồng cao hơn 12 m, chiều dài thân mỗi con hơn 70 m.

Theo UBND TP Vũng Tàu, đại cảnh này mô phỏng hình ảnh rồng thời Lý. Trong phong thủy, đôi rồng ôm trăng mang vận khí dồi dào, thu hút may mắn và thịnh vượng.

"Công trình gửi gắm thông điệp hấp thụ sức mạnh thiên nhiên linh thiêng và thu hút tài lộc, may mắn cho thành phố. Thân đôi rồng trải dài hướng ra biển thể hiện khát vọng vươn xa và phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của thành phố biển", lãnh đạo TP Vũng Tàu nói. Ảnh: Trường Hà

Ngoài ra, một số nơi khác của TP Vũng Tàu cũng được trang trí hình rồng. Tại công viên Trưng Trắc - Trưng Nhị, rồng dài hơn 50 m làm bằng khung thép bọc vải được treo lên giàn hoa cao hơn 7 m. Ảnh: Trường Hà

Tại Đăk Nông, hai linh vật rồng được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh hoàn thành trong hai tháng, đặt trong khuôn viên Tiểu đoàn. Mỗi linh vật dài khoảng 5 m, cao 2,5 m. Tượng được làm bằng bêtông, màu sắc chủ đạo là vàng và đỏ. Rồng giữ ngọc bằng đồng là biểu tượng quyền lực. Ảnh: Ngọc Oanh

Năm nay, TP Quảng Ngãi trang trí bốn con rồng để chào mừng Tết Giáp Thìn, trong đó có 3 con ở công viên Ba Tơ.

Công ty cổ phần môi trường đô thị Quảng Ngãi, đơn vị thi công, cho biết rồng được một công ty ở TP HCM thiết kế, sau đó thi công tại Quảng Ngãi. Đến ngày 5/2, đơn vị sẽ hoàn thiện linh vật và hoa đồng thời tổ chức lễ khai xuân tại công viên. Ảnh: Phạm Linh

Từ ý tưởng của những nghệ nhân khắc rồng từ củ quả, Hiệp hội du lịch Đồng Nai cho ra đời linh vật rồng được làm bằng mút xốp cao 4 m, dài 9 m. Hiện linh vật "rồng vàng" được trưng bày tại KDL Bửu Long thu hút nhiều người đến chụp ảnh. Ảnh: Phước Tuấn

Tại tại Quảng trường Hùng Vương trong Trung tâm hành chính tỉnh Bạc Liêu, 16 con rồng quấn quanh thân trụ có hình hoa văn trống đồng đang được hoàn thiện để đón Tết Nguyên đán. Theo thiết kế, con rồng làm bằng sắt uốn mỹ thuật tạo hình, ốp lưới nhựa, lắp đèn trang trí.

Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng là linh vật tưởng tượng từ các bộ phận của nhiều loài khác, vừa có thể ở dưới nước, vừa bay được trên không, vừa có thể hóa thân kiếp khác để ngao du trên cạn, được xem như linh vật toàn tài. Rồng cũng là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối trong các nhà nước phong kiến phương Đông xưa.

Năm Giáp Thìn 2024 với biểu tượng con rồng được quan niệm mang lại năng lượng, sức mạnh, niềm tin, hy vọng, phồn vinh và may mắn. Ảnh: An Minh

Nhóm phóng viên