Nhân vật hoạt hình này lần đầu xuất hiện trong video trên trang web của cơ quan tái thiết thuộc chính phủ Nhật Bản hôm 13/4, được vẽ theo phong cách dễ thương, gần giống hình con cá, đại diện cho tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro vẫn tồn tại trong nước thải của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngay cả khi chúng đã được xử lý.
Giới chuyên gia cho biết tritium nồng độ cao mới gây hại cho con người, thêm rằng việc pha loãng nước thải đã qua xử lý trước khi đổ ra biển, như cam kết của chính phủ Nhật, không gây ra mối đe dọa nào về mặt khoa học. Do đó, linh vật này được tạo ra nhằm giải thích rằng việc xả tritium ra biển tuân theo tiêu chuẩn thông thường tại các nhà máy điện hạt nhân khắp thế giới.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của linh vật màu xanh trong một quảng cáo trên mạng và trang web của cơ quan tái thiết đã khiến người dân tỉnh Fukushima tức giận.
"Có vẻ như mong muốn xả nước thải ra biển của chính phủ được ưu tiên hơn cả. Khoảng cách giữa tính nghiêm trọng của vấn đề mà chúng tôi đang đối mặt với sự cợt nhả của linh vật kia vô cùng lớn", Katsuo Watanabe, ngư dân 82 tuổi tại Fukushima, cho hay.
"Nếu chính phủ nghĩ rằng họ có thể khiến công chúng hiểu vấn đề chỉ bằng cách tạo ra một nhân vật dễ thương, họ đang đùa cợt với nguy cơ gặp khủng hoảng truyền thông", Riken Komatsu, một bình luận viên tại địa phương, nêu ý kiến.
Trong khi đó, người dùng mạng xã hội đặt tên linh vật là "Tiểu Tritium", được cho là nhằm gây liên tưởng đến Tiểu Pluto, nhân vật hoạt hình được tạo ra vào giữa những năm 1990 để xoa dịu dư luận về ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản.
Trước sức ép lớn, cơ quan tái thiết, với nhiệm vụ giám sát nỗ lực phục hồi sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân ở Fukushima hồi tháng 3/2011, đã gỡ video quảng bá linh vật nước thải vào ngày 14/4, chỉ một ngày sau khi đăng. Một quan chức giấu tên cho biết linh vật tritium sẽ được thiết kế lại sao cho phù hợp với tâm lý của người dân.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm13/4 cho biết chính phủ đã thông qua kế hoạch xả hơn một triệu tấn nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào đại dương, bởi không còn chỗ chứa. Tokyo tuyên bố kế hoạch này an toàn, bởi nước thải đã được xử lý để loại bỏ tất cả nguyên tố phóng xạ và sẽ được pha loãng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng ủng hộ kế hoạch trên.
Tuy nhiên, quyết định của Nhật vấp phải phản ứng dữ dội từ các cộng đồng ngư dân địa phương, bởi họ đã mất nhiều năm để khôi phục niềm tin của khách hàng vào hải sản được đánh bắt trong khu vực này.
Các nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bắc Kinh chỉ trích Tokyo "cực kỳ vô trách nhiệm", không coi trọng sức khỏe người dân tại những quốc gia xung quanh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thậm chí kêu gọi giới chức tìm cách kiện Nhật Bản lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, nhằm xin tòa ra lệnh cấm xả nước từ nhà máy Fukushima ra đại dương.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)