"Ở đó giống như chiến trường Verdun", Ivan, tài xế xe cứu thương đang chờ bên vệ đường bên ngoài Bakhmut, thành phố công nghiệp nhộn nhịp một thời ở Donetsk, nói trong một ngày tháng 2 giá rét.
Verdun mà Ivan nhắc đến là trận đánh đẫm máu năm 1916 ở mặt trận phía tây nước Pháp, nơi được ví như "cối xay thịt" với hơn 300.000 binh sĩ Đức và Pháp thương vong trong các đợt giao tranh kéo dài 10 tháng.
Giao tranh ở Bakhmut giờ đây đã bước sang tháng thứ 7, với mức độ tàn phá và thương vong không kém. Vô số người chết và bị thương được vội vã đưa về hậu cứ, nhưng cả hai bên đều tiếp tục đổ thêm quân, đào sâu thêm chiến hào nhằm phá vỡ thế bế tắc.
Trong khi Nga dồn lực tấn công Bakhmut để giành chiến thắng quan trọng đầu tiên sau nhiều bước lùi, quân đội Ukraine quyết tâm giữ thành phố này, dù nó không mang nhiều giá trị về mặt chiến lược hay quân sự.
"Đó là vấn đề kinh điển từng xuất hiện trong Thế chiến I", Mark Cancian, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.
Khi thất bại trong nỗ lực bao vây lực lượng Ukraine bảo vệ Bakhmut, quân đội Nga đã "liên tục tấn công" vào thành phố. Cancian cho rằng sau nhiều tháng pháo kích dữ dội, Nga nếu chiếm được Bakhmut cũng không giành được gì ngoài một thành phố đổ nát.
"Trận đánh này chủ yếu mang tính biểu tượng. Vì vậy, nếu chiếm được Bakhmut, họ sẽ làm cho nó có vẻ quan trọng, dù thực tế không phải vậy", Cancian nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận Ukraine có rất ít lựa chọn với Bakhmut. "Đó là nơi Nga dồn lực tấn công, nên Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài điều quân tới phòng thủ", ông cho hay.
Tình báo Anh cho hay đà tiến của Nga đang chững lại, nhưng điều này không giảm bớt áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
"Nếu quá trình chuyển giao vũ khí, cụ thể là vũ khí tầm xa, được đẩy nhanh, chúng tôi sẽ không phải rút quân khỏi Bakhmut và sẽ bắt đầu chiến dịch giải phóng Donbass", ông Zelensky nói với các lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tại Kiev hồi đầu tháng. "Chúng tôi sẽ chiến đấu tới chừng nào có thể".
Oleksandr Kovalenko, nhà phân tích quân sự người Ukraine, cho rằng để ngăn chặn Nga, Ukraine cần nhiều hỏa lực pháo binh tốt hơn. "Không có những khẩu pháo uy lực, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở Bakhmut", ông nói.
Các binh sĩ Ukraine đang chiến đấu ở Bakhmut là những người cảm nhận rõ nhất thế bất lợi về hỏa lực pháo binh.
"Pháo binh đối phương hoàn toàn vượt trội", Yuriy Kryzhberskyi, sĩ quan 37 tuổi, nói tại tiền tuyến Bakhmut. "Chỉ cần ngồi trong hầm ở làng Vasyukivka, phía bắc Bakhmut, trong nửa giờ, ta có thể đếm được 40 quả đạn pháo bay tới".
Một trung sĩ có biệt danh Alkor nhận định ưu thế về quân số của Nga cũng là điều đáng ngại. "Chúng tôi liên tục bắn, nhưng chỉ 5 phút sau, nhóm binh sĩ Nga tiếp theo lại tiến lên", anh nói.
Sức ép liên tục của Nga khiến quân đội Ukraine hứng chịu nhiều tổn thất. Thiếu tá Volodymyr Leonov, sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, cho hay trong ba ngày tháng 1, hàng chục binh sĩ trong đơn vị của ông đã bị thương. Họ cũng chưa đưa được thi thể của 5 người ra khỏi chiến trường.
"Binh sĩ của chúng tôi đều hăng hái chiến đấu", ông nói. "Nhưng không có hỏa lực yểm trợ, không có xe bọc thép, chúng tôi phải phơi mình trước hỏa lực đối phương".
Cả Ukraine và Nga đều chưa công bố số liệu về thương vong ở Bakhmut, nhưng hai bên đều mô tả đây là trận đánh đẫm máu nhất kể từ đầu xung đột.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn an ninh tư nhân Wagner, một mũi nhọn của Nga trong chiến dịch tấn công Bakhmut, mô tả giao tranh "ác liệt" đang diễn ra trên "mọi con phố, ngôi nhà". Bằng chứng của cuộc chiến hiển hiện khắp nơi, từ những tòa nhà cháy nham nhở tới mảnh đạn pháo và vệt máu đỏ sẫm trên nền tuyết trắng.
Thành phố từng là nơi sinh sống của 70.000 người, nổi tiếng với rượu vang và mỏ muối, nay trở thành đống hoang tàn với một nửa nhà cửa bị hư hỏng hoặc phá hủy.
Các tòa nhà tập thể xây từ thời Liên Xô chỉ còn là đống đổ nát, cửa sổ vỡ tan. Cây cầu thép bắc qua sông giờ chỉ còn là những tấm ván ghép tạm bợ. Natalia Shevchenko, người hàng ngày đi qua cây cầu để lấy nước sạch, cho hay thành phố đã mất toàn bộ điện, nước, khí đốt, mạng viễn thông. Mọi người đều đã quen với tiếng rít của đạn pháo khi chúng lao tới.
"Tôi đang sống trong tầng hầm. Khi ra ngoài, tôi giống chuột chũi, mắt phải nheo lại để làm quen với ánh sáng", bà nói.
Shevchenko là một trong số 6.500 người đang cầm cự ở Bakhmut trong tình trạng thiếu thốn mọi bề. Tetyana Scherbak, tình nguyện viên tại một trung tâm nhân đạo, cho hay đa số dân thường đã sơ tán từ khi giao tranh tăng nhiệt hồi tháng 1.
Nataliia Yevtushenko, 38 tuổi, từng hai lần tìm cách rời Bakhmut. Lần đầu tiên bất thành khi con trai 16 tuổi của cô thiệt mạng cùng 60 người khác trong vụ nhà ga xe lửa Kramatorsk trúng tên lửa. Lần thứ hai, cô gặp tai nạn trên đường.
"Cố gắng thế là đủ", cô nói.
Yevtushenko đang làm việc tại một trung tâm nhân đạo cung cấp chỗ ăn ở cho người dân thành phố khi mùa đông đến. Nhưng các binh sĩ trong chiến hào không có nơi trú ẩn như thế. Họ chịu đựng cái rét cắt da thịt giữa vùng đất không bóng người, thường xuyên phải đề cao cảnh giác, đôi khi không ngủ suốt nhiều ngày.
Ở thành phố Sloviansk gần đó, các binh sĩ Ukraine vừa làm lễ chôn cất Oleksandr Korovniy, 28 tuổi, thiệt mạng trong trận chiến ở Bakhmut.
"Tất cả những điều này là vì cái gì?", Oleksiy Storozh, đồng đội của anh, vừa nói vừa chỉ tay về phía đài tưởng niệm Thế chiến II gần nơi chôn cất Korovniy.
Hồng Hạnh (Theo AFP)