Từng hăng hái gia nhập quân đội Ukraine vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Zadontsev, 27 tuổi, sĩ quan phụ trách truyền thông của Tiểu đoàn Xung kích Độc lập số 24, hiện cảm thấy kiệt sức khi chiến sự sắp bước sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
"Điều tôi cảm thấy bây giờ là giận dữ. Cuộc chiến sẽ kéo dài tới bao giờ nữa?", Zadontsev nói với phóng viên AFP. "Chúng tôi đều đã mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi. Làm ơn hãy cho người tới thay chúng tôi".
Sergiy Ogorodnyk, chỉ huy một tiểu đoàn xung kích đường không của Ukraine, cũng cho rằng họ cần thời gian để hồi phục trước khi quay trở lại tiền tuyến. Theo sĩ quan này, không ít binh sĩ Ukraine đang cảm thấy bất công khi phải liên tục chiến đấu mà không được nghỉ ngơi, trong khi nhiều người khác được an toàn ở hậu phương.
Nỗi bức xúc của các binh sĩ ở tiền tuyến khiến giới lãnh đạo quân sự Ukraine rơi vào tình thế khó xử. Họ cần duy trì lực lượng lớn trên tiền tuyến để chống lại các cuộc tấn công của Nga, song lại đang gặp khó khăn trong việc tuyển tân binh.
Hầu hết công dân Ukraine tình nguyện chiến đấu đều đã nhập ngũ, phần lớn những người còn lại đang tìm mọi cách để không phải ra chiến trường.
Trên mạng xã hội Ukraine thời gian qua tràn ngập các tài khoản được thiết lập để cảnh báo về vị trí của sĩ quan tuyển quân, những người thường đột ngột xuất hiện trên đường phố để trao giấy gọi nhập ngũ cho nam giới.
Ngay cả với số ít vẫn còn muốn cầm súng, tình hình kém lạc quan trên tiền tuyến cũng khiến họ cảm thấy chùn bước. Ukraine từng kỳ vọng có thể tiếp nối thành công đạt được cuối năm 2022 bằng cuộc phản công quy mô lớn phát động hồi tháng 6/2023, song chiến dịch này đã thất bại khi không thể xuyên thủng được phòng tuyến kiên cố của Nga.
Moskva sau đó tiến hành nhiều cuộc phản kích và mới đây đã chiếm được thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk, đánh dấu thắng lợi lớn đầu tiên trên chiến trường từ sau khi kiểm soát được Bakhmut hồi giữa năm 2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 20/2 thông báo quân đội nước này đã giành lại làng Krynki, đầu cầu mà lực lượng Ukraine thiết lập bên bờ đông sông Dnieper ở tỉnh Kherson tháng 11 năm ngoái, song Kiev bác bỏ.
Daniil, thợ cắt tóc 27 tuổi ở thủ đô Kiev, cho biết nếu một năm trước, anh sẽ cân nhắc nhập ngũ, còn hiện tại thì không.
"Khi đó mọi người đều tràn đầy nhiệt huyết, tin tưởng rằng mọi thứ sẽ ổn và chiến thắng đang tới gần. Giờ thì chúng tôi đã thực tế hơn", Daniil cho hay.
Theo Anton Grushetsky, chuyên gia tại Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS), triển vọng mờ mịt từ viện trợ phương Tây cũng gây tác động tiêu cực tới tinh thần của người dân Ukraine.
"Họ sẵn sàng chết trên chiến trường nếu cảm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Mọi người sẽ đánh mất động lực nếu biết mình không có vũ khí để chiến đấu", Grushetsky nhận định.
Hiện gói viện trợ mới nhất của Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine nhiều nhất từ đầu xung đột, đang mắc kẹt tại quốc hội do vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến chỉ có thể đáp ứng một nửa cam kết đưa ra hồi tháng 3/2023 về việc chuyển giao cho Ukraine một triệu viên đạn pháo sau 12 tháng.
Một số bê bối tham nhũng trong chính phủ Ukraine cũng là một lý do khác khiến những người như Danil không còn muốn cầm súng.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 6/2 thông báo phát hiện nhóm quan chức chi khống khoảng 40 triệu USD cho "hợp đồng ma" mua 100.000 quả đạn cối. Cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tháng 9 năm ngoái mất chức vì để xảy ra nhiều vụ tham nhũng trong lực lượng do ông quản lý.
Tình trạng quan liêu và các thủ tục hành chính nhiêu khê cũng là nguyên nhân khiến một số người còn muốn nhập ngũ nản lòng.
"Ban đầu tôi nghĩ là họ sẽ ngay lập tức nắm tay tôi và nói 'chúng ta đi'", Yevgen Spirin, người đăng ký ra chiến trường cách đây 4 tuần, chia sẻ. "Thực tế thì họ yêu cầu phải dán tem ở chỗ này, ký ở chỗ kia. Rất khó để giải thích quy trình này với người nước ngoài muốn chiến đấu cho quân đội Ukraine".
Thiếu người tình nguyện nhập ngũ khiến Ukraine phải lên kế hoạch áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky tháng 12/2023 công bố dự luật huy động thêm quân, với mục tiêu tuyển thêm 450.000-500.000 lính như đề xuất của giới lãnh đạo quân đội.
Dự luật sẽ tăng cường hình phạt với những người trốn nghĩa vụ quân sự, giảm độ tuổi thực hiện nghĩa vụ từ 27 xuống 25 và áp dụng hình thức gọi nhập ngũ trực tuyến. Dự luật cũng giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự từ mức không giới hạn xuống còn 36 tháng, tạo điều kiện để các binh sĩ đang tại ngũ có thể rút về hậu phương nghỉ ngơi.
Quốc hội Ukraine ngày 11/1 từ chối thảo luận về dự luật và trả lại cho chính phủ để xem xét thêm, sau khi một số nhà lập pháp cho rằng một số điều khoản trong dự luật vi phạm hiến pháp. Hôm 7/2, các nghị sĩ Ukraine đã ủng hộ bản chỉnh sửa của dự luật, nhưng văn kiện này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được thay đổi trước khi được thông qua, dự kiến vào cuối tháng này.
Dù vậy, có một số ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của việc ép người dân nhập ngũ. Trung tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR), tháng 12/2023 thừa nhận những người bị ép cầm súng không có nhiều động lực, điều ảnh hưởng tới năng lực chiến đấu của họ trên tiền tuyến.
"Nếu chúng ta không thể giúp họ có động lực, dù có thêm bao nhiều người tòng quân, cả cưỡng ép và tự nguyện, hiệu quả cũng gần như bằng không", ông nói.
Zadontsev cũng cho biết đơn vị của anh "không thích những người bị gọi nhập ngũ trái với ý muốn". Dù vậy, binh sĩ này khẳng định lực lượng của mình rất cần thêm tân binh, đồng thời bày tỏ hy vọng những người này sẽ có thêm động lực sau khi đã được huấn luyện bài bản hơn.
Anh cũng kêu gọi người dân Ukraine nhận thức được tình hình cấp bách hiện tại và tình nguyện gia nhập quân đội. "Chúng ta đang chiến đấu vì đất nước và nền độc lập của nước nhà. Chúng ta sẽ mất tự do nếu ngừng chiến đấu", Zadontsev nói.
Phạm Giang (Theo AFP)