Trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 16/2, một binh sĩ Anh từng huấn luyện lính Ukraine cho biết họ sử dụng tên lửa có tên Vũ khí Chống tăng Hạng nhẹ Thế hệ mới (NLAW) "như thể chúng là súng phóng lựu rẻ tiền". NLAW có giá hơn 25.000 USD mỗi khẩu, gồm ống phóng và tên lửa dùng một lần, được thiết kế để tấn công chính xác xe tăng, thiết giáp đối phương.
Theo binh sĩ Anh, lính Ukraine được yêu cầu chia sẻ video về việc sử dụng NLAW đúng cách. Tuy nhiên, các video cho thấy lính Ukraine thường nã 5-6 tên lửa NLAW về phòng tuyến Nga cùng lúc, tiêu tốn 125.000-150.000 USD cho mỗi loạt bắn.
Các nguồn tin của Sunday Telegraph cho hay binh sĩ Ukraine nhiều lần bỏ lại tổ hợp tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin với giá hơn 100.000 USD trên chiến trường. Điều này khiến Nga thu được lượng lớn các tổ hợp Javelin hoàn chỉnh, ống phóng có thể dùng lại và đạn tên lửa.
"Quân đội Nga giờ có lẽ sở hữu nhiều tên lửa Javelin hơn cả lục quân Anh", một nguồn tin tại Anh nhận định. Anh đã chuyển 10.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine, trong đó có hàng nghìn tổ hợp Javelin. Tuy nhiên, phải tới năm 2027-2028 Anh mới có thể thay thế số tên lửa Javelin đã viện trợ.

Binh sĩ Ukraine huấn luyện gần thành phố Pokrovsk, tỉnh Donetsk ngày 18/1. Ảnh: Reuters
Anh cũng chuyển hàng trăm tên lửa chính xác cao Brimstone, có thể phóng từ máy bay hoặc mặt đất, cho Ukraine. Quân đội Ukraine thường xuyên nhắm trượt mục tiêu khi phóng Brimstone do sử dụng hệ thống lập bản đồ kiểu cũ, các nguồn tin cho biết. Mỗi quả Brimstone có giá 132.000-220.000 USD tùy biến thể.
Nga có năng lực chế tạo số lượng lớn với giá rẻ, NATO không thể sánh được năng lực này do ưu tiên chế tạo vũ khí công nghệ cao đắt tiền với số lượng nhỏ, được thiết kế cho học thuyết tác chiến cơ động và hiệp đồng của liên minh. Do đắt tiền, NATO yêu cầu binh sĩ không bỏ lại bất cứ vũ khí và trang thiết bị quân sự nào.
Các nguồn tin trong ngành quốc phòng Anh cho biết họ chưa bao giờ có đủ thời gian để huấn luyện lính Ukraine chiến thuật tiên tiến của NATO. Các khóa học do huấn luyện viên Anh giảng dạy bị rút ngắn thời gian từ vài tháng xuống còn hai tuần.
Một số cho biết Ukraine thường xuyên miễn cưỡng áp dụng học thuyết của NATO, giải thích rằng chúng không phù hợp với điều kiện thực địa mà huấn luyện viên phương Tây chưa từng trải qua. Bất đồng đôi khi gay gắt tới mức huấn luyện viên của lục quân Anh tại Ukraine từng tước vũ khí học viên để ngăn xảy ra hành vi bạo lực.
Sau khi Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 155 Ukraine, được NATO huấn luyện tại Pháp, tan rã vào cuối năm 2024 trước khi tham chiến tại thành trì Pokrovsk ở Donetsk, một số sĩ quan Ukraine phản đối phương pháp huấn luyện của NATO. Theo Sergey Filimonov, chỉ huy Tiểu đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 108 Ukraine, có đến 10 lữ đoàn gặp vấn đề tương tự Lữ đoàn 155.
"Các phương pháp huấn luyện của NATO thường không phù hợp với thực tế tác chiến hiện đại", Filimonov nhận định. "Việc huấn luyện ở nước ngoài không chỉ thiếu hiệu quả mà còn gây nguy hiểm, trừ khi được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của Ukraine và gắn với hoạt động của các đơn vị hiện có".
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph, AFP, AP)