"Tôi muốn mọi người được biết con người thật của tôi", Manning nói trong chương trình Today của đài NBC, "Tôi là Chelsea Manning. Tôi luôn cảm thấy mình là một phụ nữ từ khi còn nhỏ.Tôi mong muốn được sử dụng các biện pháp liên quan đến hormone càng sớm càng tốt và hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ quân đội".
Tuy nhiên, các quan chức quân đội cho biết, Manning vẫn là một binh sĩ nam trong mắt họ và sẽ được đối xử như bất kỳ tù nhân nào khác. "Manning sẽ nhận được sự chăm sóc từ các chuyên gia sức khỏe, tâm lý học, nhân viên xã hội và dự đoán hành vi như những tù nhân khác", bà Kimberly Lewis, phát ngôn viên của nhà tù Fort Leavenworth, nơi giam giữ Manning, nói. Ngoài ra, những người được chẩn đoán có vấn đề về giới tính vẫn phải thi hành bản án mà không có liệu pháp hormone hay xác định lại giới tính từ phía quân đội
Có rất ít số liệu thống kê về số lượng tù nhân chuyển đổi giới tính trong nhà tù Mỹ. Một nghiên cứu từ các nhà tù ở California xác định có khoảng 330 tù nhân chuyển giới trong tổng số 160.000 tù nhân ở đây. Tại nhà tù Fort Leavenworth, Manning không được mặc quần áo của phụ nữ mà phải mặc đồng phục tù nhân với bảng tên theo quy định của quân đội. Tuy nhiên, bà Lewis cho biết, anh này có thể xin phép tòa án để thay đổi tên mình thành Chelsea Manning.
"Tôi hy vọng nhà tù Fort Leavenworth có thể đáp ứng nguyện vọng của Manning. Nếu không, tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng để buộc họ phải làm như vậy", David Coombs, luật sư của Manning, tuyên bố trên chương trình Today.
Vấn đề về giới tính của Manning bắt đầu được bàn tán khi một bức ảnh cho thấy binh sĩ này mang bộ tóc giả màu vàng lan truyền trong quân đội. "Vấn đề này không biến mất và sẽ ám ảnh tôi khi về già. Tôi không biết mình nên làm gì", Manning viết trong email gửi cho cấp trên. Anh cho biết quyết định "làm rò rỉ tài liệu" đến cùng với những rắc rối giới tính của mình.
Binh nhất Manning hôm 21/8 bị tuyên án 35 năm tù vì tội gián điệp và nhiều tội danh khác, sau khi gây ra vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Nguyễn Tâm