Thoại Hà -
Say You’re One of Them (Hãy nói bạn là một trong số họ) là tập truyện đầu tay của linh mục người Nigeria 37 tuổi, tên Uwem Akpan. Tập truyện được NXB Little, Brown & Company (Mỹ) phát hành và nhanh chóng nhận được rất nhiều sự chú ý, khen ngợi từ giới phê bình và độc giả tại Mỹ và các nước châu Âu.
3 truyện ngắn và 2 truyện dài trong tuyển tập này đều lấy đề tài về số phận của những đứa trẻ ở các nước nghèo thuộc châu Phi. Đó có thể là một câu chuyện được kể lại qua góc nhìn của một đứa bé sinh ra trong gia đình nghèo rớt mùng tơi và bị bạo hành. Hay đó là chuyện về một gia đình người Kenya, trụ cột chính là đứa trẻ 12 tuổi. Đứa bé này phải bán thân nuôi cha mẹ và các em. Trong khi cha mẹ nó dùng số tiền ít ỏi đi mua keo khói (một dạng ma túy để hít, người châu Phi có thể mua chúng rẻ hơn mua thực phẩm) về cho các con ngửi để chúng lịm đi và quên cái đói đang cào xé.
Trong một truyện khác, nhà văn miêu tả cảnh đời vất vả của hai anh em đến từ Benin được một ông cậu nuôi và lạm dụng tình dục, sau đó bị bán làm nô lệ. Những câu chuyện gióng lên hồi chuông về số phận của những trẻ nhỏ phải thường xuyên đối diện với chết chóc, sự đe dọa về thể xác và linh hồn thay vì được sống trong hạnh phúc.
Cha Uwem Akpan ngoài công việc truyền giáo còn đam mê viết lách. |
Năm 2004, cha Uwem Akpan làm đơn xin dự khóa học viết văn tại Đại học Michigan. Hồ sơ và mục đích nhập học của ông khiến nhiều người phải chú ý. Bởi vì ông vừa là một thày tu lại vừa là một người Nigeria, điều khá đặc biệt so với những người theo học tại đây. Eileen Pollack, giám đốc điều hành chương trình viết văn cho biết, thoạt đầu, ban quản trị còn khá lưỡng lự về việc có nên chấp nhận vị linh mục vào học một khóa học không. "Chúng tôi đã phải tranh cãi rất nhiều để nhận một thày tu vào học ở nơi mà sinh viên phải diễn đạt qua ngòi bút những đề tài nóng bỏng của xã hội như ma túy và tình dục", vị giám đốc này nhớ lại.
Nhưng cuối cùng, cha Akpan đã được tiếp nhận. Những kiến thức về người dân các nước châu Phi, cùng kinh nghiệm của ông về những mảng sáng tối trong cuộc đời của họ khiến các thày cô và sinh viên tại đây nể phục.
Từ những kinh nghiệm của mình, cộng với các kiến thức viết lách từ khóa học, cha Akpan đã viết nên tập truyện ngắn đầu tay. Thành công nhanh chóng đến với ông ngay khi cuốn sách được giới thiệu. Truyện của ông được đăng lại trên nhiều tờ báo. Không ít bài điểm sách trên các báo gọi ông là "một nhà văn quan trọng". Điều quan trọng ở đây được đánh giá do chính tình yêu và sự am hiểu của tác giả với châu Phi, điều mà không phải cây bút nào cũng có thể làm được.
Cuốn sách xúc động về số phận của những đứa trẻ châu Phi. |
Cha Akpan sinh trưởng tại một ngôi làng Ikot Akpan Eda, nằm ở phía nam Nigeria. Cha mẹ của ông là giáo viên. Từ nhỏ, ông và 3 người anh em trai khác đã được mẹ dạy sử dụng tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Annang. Chính vì biết tiếng Anh, ông đã sớm biết đọc các tác phẩm của Shakespeare, của chị em nhà Bronte. Nhưng tình yêu văn học đến với ông từ chính những lần người dân trong làng tụ tập cùng nhau để nghe các cụ già ca hát, và nghe kể những câu chuyện dân gian xưa cũ của người châu Phi.
19 tuổi, Akpan theo học trường đạo và 10 năm sau ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình. Ngay từ thời sinh viên, Akpan đã có nhiều truyện ngắn đăng báo.
Những đứa bé Châu Phi là nạn nhân của sự nghèo đói và lạc hậu. |
Vào thời điểm vị linh mục này "khăn gói" đến Michigan học viết văn, chiếc máy vi tính xách tay của ông đã trữ hàng trăm mẩu truyện ông sáng tác. Đó là những ghi chép hàng ngày của ông về cuộc sống của người dân châu Phi. Những ghi chép đó có thể chưa là một tác phẩm hoàn chỉnh, nhưng Akpan vẫn ghi nhận và để đấy vì đó là những điều khiến ông phải suy nghĩ. Và với một nhà văn như ông, kỹ thuật và phong cách viết đến sau, mà điều quan trọng đầu tiên chính là quan sát, thu thập những sự kiện trong cuộc sống để có được ý tưởng cho các sáng tác văn học.
Akpan cho biết, để có thể sáng tác truyện ngắn về người dân bản địa, ông đã phải cố gắng học rất nhiều. Ông còn phải chăm chú lắng nghe những bài thuyết giảng, những cuộc đối thoại hàng ngày của mọi người bằng nhiều dạng thổ ngữ, phương ngữ đa dạng, thậm chí là cả tiếng bồi.
Akpan nhấn mạnh, ông viết những truyện ngắn không chỉ dành cho độc giả Mỹ và châu Âu mà còn cho chính độc giả châu Phi, quê hương ông. Có một nghịch lý là ngay cả người châu Phi vẫn không hiểu hết hoàn cảnh của chính họ và những biến động xã hội quanh họ. "Những người ở Nigeria không thật sự biết điều gì đang diễn ra ở Rwanda. Và người Rwanda cũng không biết điều gì đang diễn ra tại Nigeria", Akpan nói "Bạn có thể sống ở Nigeria và Benin nhưng bạn sẽ không hiểu gì về những tội lỗi của tệ buôn người". Chính điều này thôi thúc vị linh mục viết nên những tác phẩm văn học, vì văn học là một cánh cửa dễ chạm đến trái tim và ý thức của mọi người.
Nhà văn - linh mục này cho biết, sau thành công của cuốn sách, ông sẽ quay về châu Phi và tiếp tục công việc dạy học tại một ngôi trường ở Zimbabwe. Và chắc chắc, trong chiếc máy tính xách tay của ông vẫn tiếp tục đầy ắp những sáng tác mà ông trăn trở.
(Lược dịch từ The New York Times)