Hai quan chức an ninh châu Âu ngày 23/2 nói với NY Times khoảng 300 lính đánh thuê thuộc nhóm bán quân sự Nga Wagner đã tới Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền đông Ukraine, những người này mặc quần áo dân sự.
Các cơ quan tình báo phương Tây theo dõi họ rời Libya và Syria, tới bán đảo Crimea do Nga kiểm soát, sau đó tới khu vực phe ly khai kiểm soát. Những người này được cho là sẽ hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine xây dựng lực lượng.
Wagner, Nga, Ukraine cùng đại diện DPR, LNR chưa bình luận về thông tin trên.
NY Times nhận xét "con số 300 lính đánh thuê là rất nhỏ so với ước tính 190.000 quân mà Tổng thống Nga Putin bố trí gần biên giới Ukraine". Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm nay, Tổng thống Ukraine nói rằng gần 200.000 quân Nga đang tập trung gần biên giới Ukraine.
Nhóm Wagner, còn được gọi là Công ty Quân đội Tư nhân Wagner được các cựu sĩ quan quân đội Nga thành lập vào khoảng năm 2013 - 2014, có khoảng 6.000 nhân sự tính tới tháng 12/2017. Lính đánh thuê của Wagner được cho từng tham chiến tại miền đông Ukraine, Syria, Cộng hòa Trung Phi, Libya, Mali và được triển khai tới Venezuela.
Các quan chức an ninh phương Tây hồi giữa tháng 2 nói với Reuters rằng lính đánh thuê Nga tăng cường hiện diện ở miền đông Ukraine. Các quan chức này lo ngại lính đánh thuê có thể tham gia chiến dịch tạo cớ để Nga triển khai quân tới miền đông Ukraine, song không đưa ra bằng chứng. Bộ Quốc phòng Nga khi đó không bình luận về thông tin này
Tổng thống Putin ngày 21/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập của vùng ly khai Lugansk và Donetsk, lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga điều quân tới khu vực này làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Mosvka một ngày sau, Putin nói rằng quyết định điều quân đến đông Ukraine "phụ thuộc vào tình hình thực địa".
Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/2, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk và chỉ trích phương Tây đẩy Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh vẫn để mở cánh cửa ngoại giao trong khủng hoảng Ukraine.
Vài ngày gần đây, Mỹ và đồng minh liên tục cảnh báo Nga "sắp đưa quân". Ngày 21/2, Thủ tướng Anh Johnson nói với Tổng thống Ukraine rằng "một cuộc tấn công có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày tới", sau khi một quan chức Mỹ cũng cảnh báo tương tự. Thủ tướng Latvia hôm 23/2 nói rằng Nga đã đưa quân vào vùng ly khai tại miền đông Ukraine nhưng không đưa ra bằng chứng.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Truss hôm 23/2 thừa nhận "chúng tôi chưa có bằng chứng rõ ràng" Nga đã điều quân, đồng thời nhận xét tình hình hiện tại "mơ hồ".
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Nga sẽ làm gì tiếp theo tại Ukraine?
- Vì sao phương Tây lo Nga tiến quân vào đông Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo NY Times/ Reuters)