* Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Richard Brumère (Jean-Claude Van Damme) là cựu mật vụ nay làm lính đánh thuê, có biệt danh The Mist. Trong một chiến dịch bí mật năm 1995, anh từng thực hiện thỏa thuận với chính phủ Pháp, đồng ý im lặng để con trai nhận quyền bảo vệ tuyệt đối và trợ cấp hàng tháng đến suốt đời. Hơn 25 năm sau, con trai của Richard - Archibald (Samir Decazza) - lớn lên lại vô tình bị chính phủ buộc tội buôn bán vũ khí và ma túy. Sự việc khiến gã lính đánh thuê phải trở về Pháp tìm cách cứu con.
Ra mắt vào 30/7 trên Netflix, phim - do David Charhon đạo diễn, đồng biên kịch với Ismael Sy Savane - dung hòa hai yếu tố hành động và hài. Kịch bản đậm tính giễu nhại, gây cười bởi những tình huống phi lý, không tưởng. Ngay cảnh đầu, Richard xuất hiện như điệp viên đang thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin. Với kinh nghiệm lão làng, ông hạ gục từng đối thủ một cách nhanh chóng. Cảnh kết thúc với việc sau khi được giải thoát, con tin sợ hãi bỏ chạy dẫn đến té ngã rồi ngất xỉu.
Hàng loạt nhân vật bị bóp méo với tính cách ngớ ngẩn, từ gã chỉ huy bù nhìn cho đến những tay cảnh sát vô dụng. Vai hài hước nhất là Alexandre (Alban Ivanov), nhân viên ngoại giao đình chỉ quyền được bảo vệ và trợ cấp của Archibald, tìm cách săn lùng Richard nhưng lại bị hai bố con bắt giữ. Trong một cảnh quay, Richard chơi khăm Alexandre bằng cách ép gã phải lột hết đồ, chỉ được mặc quần lót và đội mũ bảo hiểm, chạy xe trượt vòng quanh Paris.
Nhiều chi tiết trong phim gợi nhớ thập niên 1980, 1990 - kỷ nguyên vàng của dòng phim hành động. Áp phích phim nhại The Karate Kid (1984), âm nhạc gồm những ca khúc vang bóng một thời như One Way Or Another (1979) của Blondie hay nhạc phim Scarface (1983). Sau cảnh mở màn, phim dõi theo một nhân vật có tạo hình giống Tony Montana của Al Pacino đang bị cảnh sát rượt đuổi. Gã lần lượt bắt chước ngôi sao Bố già từ lời thoại đến trang phục, thậm chí xem lại tác phẩm kinh điển của Brian De Palma để học hỏi.
Các pha hành động được xử lý với nhịp độ nhanh gọn. Bối cảnh Paris trở thành chiến trường của các nhân vật, là nơi diễn ra cảnh rượt đuổi bằng ôtô gay cấn không kém bom tấn Hollywood. Trong lúc bị cảnh sát truy bắt, bố con Richard bị dồn vào đường cùng, không còn cách nào phải phóng xe lên vỉa hè bất chấp người qua lại. Ở cuối phim, phân đoạn cận chiến diễn ra trong một phòng tắm dát vàng của spa sang trọng, tạo hiệu ứng thị giác đẹp mắt.
Nam chính Jean-Claude Van Damme vốn là biểu tượng một thời của dòng phim hành động. Xuất thân là võ sĩ người Mỹ gốc Bỉ, ông nổi danh tại Hollywood qua hàng loạt tác phẩm như Bloodsport (1988), Cyborg (1989), Kickboxer (1989), Universal Soldier (1992), Target (1993), Timecop (1994)... Bước sang tuổi 60, ngôi sao giữ vững phong độ với thân hình cân đối, linh hoạt, thể hiện cảnh hành động không cần diễn viên đóng thế. Ông dốc sức ở các cảnh hài, liên tục thay đổi tạo hình, sẵn sàng giả gái, hóa thân thành nhân viên bán kem, để tóc dài và mặc đồ múa ballet...
Nhân vật Richard của Van Damme như hình ảnh giễu nhại của dòng phim điệp viên, thích sử dụng tay chân hơn là đầu óc, súng ống. Ngôi sao cũng nhại chính mình trong các tác phẩm một thời. Ông tái hiện cảnh nhảy nhót kinh điển của Kickboxer trong một cảnh quay, rồi đứng ngắm áp phích Bloodsport trong một cảnh khác.
Giới phê bình lẫn khán giả đánh giá tác phẩm không cao. Phim nhận được 50/100 điểm trên trang Rotten Tomatoes, 48/100 điểm trên Metacritic và 5.4/10 trên IMDB. Cây viết Owen Gleiberman của Variety cho rằng không có gì trong phim "thực sự hài hước". Tác giả Brian Lowry của CNN đánh giá "phim vô lý", "hành động tẻ nhạt", Van Damme lặp lại chính mình còn các diễn viên phụ không để lại ấn tượng.
Một số bình luận khá tích cực, như tờ New York Times nhận xét: "Các cảnh chiến đấu có sự dí dỏm và Van Damme thể hiện lời thoại ở mức độ hài hước phù hợp". Tờ Los Angeles Times so sánh các cảnh hành động với phim của Thành Long và cho rằng xem Van Damme đánh đấm ở tuổi 60 là một điều thú vị.
Điểm trừ lớn là nhịp phim hơi đều, thiếu điểm nhấn. Cốt truyện quá đơn giản, mối quan hệ cha con giữa Richard và Archibald không được đào sâu, trong khi một số tình tiết hài khá vô lý. Cái kết diễn ra chóng vánh, gây hụt hẫng.
Sơn Phước