![linh-cuu-ho-am-anh-vi-tu-choi-be-ti-nan-tren-tau-chim-giua-bien](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/27/7111678-3x2-700x467-9121-1453865258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ssJkUfsg4atev2I0Hyl43Q)
Nhân viên cứu hộ người Australia Simon Lewis. Ảnh: ABC News
Theo CNN, hôm 25/1 tại vịnh Aegea có một tàu chở 31 người di cư và một tàu cứu hộ của Australia di chuyển cách nhau 5 mét. Trên tàu chở người di cư có một bà mẹ tay bế con đang tuyệt vọng nhìn Simon Lewis - nhân viên cứu hộ người Australia.
Bà mẹ muốn quăng đứa con sang thuyền bên kia với hy vọng đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt hơn, hoặc chí ít là sống sót khỏi hành trình di cư đầy mạo hiểm này.
Thế nhưng có một vấn đề, đó là cả hai con thuyền đều đang trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ. Những người di cư cố vượt biển tới đảo Lesbos của Hy Lạp, từ đó sang Liên minh châu Âu. Nếu Lewis nhận đứa bé và đưa nó về đảo Lesbos, anh sẽ bị buộc tội buôn bán người vì đưa em bé vượt biên.
Vì thế, anh duy trì khoảng cách giữa hai con thuyền và nói "không" với bà mẹ.
"Thế rồi cô ấy dùng ánh mắt đó nhìn thẳng vào tôi", Lewis nói. "Cô ấy nhìn chằm chằm vào tôi. Cả đời này tôi sẽ không quên khoảnh khắc đó. Chúng tôi đã làm tan nát cõi lòng người phụ nữ đáng thương ấy. Tôi đã bóp vỡ hy vọng của cô ấy, vì không tiếp nhận đứa trẻ".
Các nhân viên cứu hộ trên biển Địa Trung Hải gần đây ít nhiều đều trải qua cảm giác giống Lewis. Cuộc xung đột kéo dài ở Syria cùng sự nghèo đói ở Bắc Phi đã khiến ngày càng nhiều gia đình tha hương, vượt biển qua Thổ Nhĩ Kỳ để mong tới châu Âu làm lại cuộc đời.
![linh-cuu-ho-am-anh-vi-tu-choi-be-ti-nan-tren-tau-chim-giua-bien-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/27/Aegean-Sea-map-5781-1453865258.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pXv9GNCq-dmTRIBGnB-Xrg)
Biển Aegea chia cách Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wikipedia
Lewis thuộc biên chế nhóm cứu hộ do Australia cử tới giúp đỡ nhân viên cứu hộ Hy Lạp. Anh cho biết, nhóm của anh chỉ được phép giúp đỡ những con tàu gặp nạn trong hải phận Liên minh châu Âu.
Họ đã cứu được hơn 500 người trong vòng 10 ngày, nhưng đành giương mắt nhìn 31 người thiệt mạng hôm 25/1 vì con thuyền chở họ chìm trong vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến Lewis vô cùng đau lòng.
"Với tư cách là một nhân viên cứu hộ, chúng tôi có nghĩa vụ phải giúp đỡ mọi người", Lewis nói. "Đó là công việc của chúng tôi, công việc đòi hỏi phải nhìn tất cả mọi người dưới góc độ bình đẳng, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo hay tín ngưỡng".
Những người may mắn vượt qua được vùng biển và đặt chân lên đất Hy Lạp đều òa khóc.
"Ánh mắt họ nói lên tất cả", Lewis nói. "Họ không thốt nên lời, vì có quá nhiều cảm xúc trong lòng. Ánh mắt họ như thể đang nói, 'Tôi đến rồi! Tôi đặt chân lên đất liền rồi! Tôi tự do rồi!'"
"Thế rồi họ òa khóc", Lewis kể lại. "Họ lúc này mới ý thức được, 'Mình không còn phải chịu cảnh bom đạn nữa'. Tôi khó mà mô tả thành lời cảm xúc của họ, chỉ có thể nhìn họ và cảm nhận".
Hồng Hạnh