Oleksandr Slyusar, công binh Ukraine với nụ cười thường trực trên môi, đã trải qua 30 tiếng dưới làn đạn pháo Nga tại Staromaiorske, ngôi làng chiến lược ở vùng Donestk mà Kiev vừa giành lại được một nửa. Một quả rocket nổ gần đội rà phá mìn của Slyusar khiến một đồng đội của anh bị thương.
Slyusar, 38 tuổi, đã đưa người đồng đội đó tới bệnh viện ở thành phố Zaporizhzhia, trước khi trở về căn cứ bí mật gần tiền tuyến, nơi có thể nghe rõ tiếng súng máy Nga. Anh chuẩn bị thông báo cho một đơn vị xung kích về những nguy hiểm rình rập họ trên bãi mìn Nga ở phía trước.
Slyusar bị đau lưng nặng suốt nhiều tuần qua, nhưng chỉ huy lữ đoàn 128 không thể cho anh có đủ thời gian điều trị.
"Trên giấy tờ, lữ đoàn của tôi có 30 công binh, nhưng thực tế chỉ là 13. Số đang thực hiện nhiệm vụ lúc này là 5. Tôi phải tự tiêm thuốc giảm đau mỗi ngày. Có hai sai lầm mà một lính công binh thường mắc phải, đó là giẫm phải mìn và trở thành lính công binh", anh nói.
Ukraine là quốc gia bị cài mìn nhiều nhất thế giới. Theo tổ chức nghiên cứu GLOBSEC có trụ sở tại Slovakia, 173.529 km2 đất đai Ukraine đã bị ô nhiễm bom mìn. Vô số mìn được cài bằng tay hoặc phóng bằng máy vào những cánh đồng, khu rừng dọc chiến tuyến.
"Ở một số khu vực tiền tuyến, mỗi mét vuông có tới 5 quả mìn", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói.
Có những quả mìn với tên gọi dễ thương như "mìn bướm" được phóng từ súng cối, trực thăng hoặc máy bay ném bom, ghim vào trong đất và sẵn sàng phát nổ khi bị giẫm lên.
Mìn PMN có lượng thuốc nổ nhiều tới mức có thể khiến binh sĩ phải tháo một chân, thay vì chỉ một bàn chân. MON-50 và MON-90 là loại mìn khi nổ bắn ra những mảnh thép sắc nhọn trong bán kính 90 mét.
Loại mìn mà lính Ukraine sợ nhất là POM-2 và POM-3. Chúng được rải bằng rocket, sau đó bung dù để hạ xuống mặt đất, với cơ chế phóng sẵn sàng kích hoạt khi cảm biến địa chấn phát hiện bước chân đến gần. Khi kích hoạt, quả mìn phóng vọt lên độ cao ngang ngực người và phát nổ, bắn ra khoảng 1.850 mảnh văng với phạm vi gây sát thương 16 mét, có thể vô hiệu hóa cả một tiểu đội tập trung.
"Bạn không thể tháo gỡ chúng và cũng không thể sống sót nếu đến gần chúng. Tất cả những gì bạn có thể làm là phá hủy chúng bằng cách dùng súng AK đứng từ xa bắn vào", Slyusar nói.
Những lính công binh Ukraine thường tiếp cận bãi mìn trong đêm và bắt đầu công việc ngay trước khi bình minh, với hy vọng tránh hỏa lực pháo binh Nga. Họ làm việc theo mỗi ca 4 tiếng. Trong thời gian đó, họ có thể dọn sạch một khu vực rộng 60 cm và dài 100 mét.
Họ bò trên mặt đất, sử dụng thanh kim loại dài 60 cm để chọc xuống đất thăm dò và dùng ngòi nổ để phá hủy bất kỳ thứ gì phát hiện được. Khi bị quân địch phát hiện, họ sẽ ném bom khói để nhanh chóng rút lui. Không có gì ngạc nhiên nếu những lính rà phá mìn để mở đường cho quân đội có thể không trở về sau nhiệm vụ.
Bộ Quốc phòng Ukraine không công bố chính xác số lượng lính công binh mà họ có. Hồi tháng 5, họ nói có khoảng 6.000 lính công binh đang phục vụ, song con số này có lẽ thấp hơn nhiều.
Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp thêm phương tiện để rà phá bom mìn. Bộ Quốc phòng Ukraine gần đây cũng thông báo rằng họ sẽ tự chế tạo thiết bị rà phá để dọn sạch các bãi mìn.
Slyusar nói rằng các đồ bảo hộ và xe rà phá bom mìn mà phương Tây chuyển giao không mang lại nhiều hiệu quả trên tiền tuyến. "Máy móc sẽ bị pháo binh Nga bắn phá, còn tôi cũng không thể mặc bộ đồ bảo hộ nặng nề khi ở trong rừng", anh nói.
13 người trong đơn vị của Slyusar chỉ có một bộ kính nhìn đêm và đôi "ủng nhện", vật dụng có thể giúp bàn chân họ không bị thương khi mìn phát nổ. Hai đồng nghiệp của Slyusar là Kostyantyn, 38 tuổi, và Andriy, 39 tuổi đều bị mất bàn chân trong tuần qua. Tuy nhiên, Slyusar cho rằng "con người mới là yếu tố quan trọng nhất", không phải là thiết bị.
Nguồn cung mìn của Nga dường như vô tận. "Chúng có ở khắp nơi. Tôi không thể thấy điểm kết thúc ở đâu", Slyusar, người từng tham gia các khóa đào tạo của Mỹ, Anh và Canada, nói.
Những vết thương do mình là thách thức lớn đối với bác sĩ phẫu thuật. Serhiy Ryzhenko, giám đốc bệnh viện Mechnikov ở Dnipro, nói rằng bác sĩ ở đây đã tiếp nhận điều trị 21.000 binh sĩ kể từ khi xung đột bắt đầu. Sau hỏa lực pháo binh, mìn là thủ phạm gây sát thương nhiều nhất.
"Mỗi ngày bệnh viện Mechnikov tiếp nhận 50-100 người bị thương rất nặng. Trong số 21.000 lính chúng tôi tiếp nhận, khoảng 2.000 người bị mất chân tay", ông nói.
Những bãi mìn không chỉ là trở ngại lớn cho cuộc phản công của Ukraine, mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đối với quốc gia này.
Lục quân Ukraine có bản đồ chi tiết về những nơi họ cài mìn. "Vì đây là đất của chúng tôi, nên chúng tôi phải quan tâm điều đó", Yuri Sak, cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine nói, song thêm rằng Nga sẽ khó có thể chia sẻ những tài liệu như vậy sau chiến tranh ngay cả khi họ có chúng.
Pete Smith, quản lý chương trình Ukraine ở tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn Halo, nói rằng mức độ đất ô nhiễm bom mìn ở Ukraine là chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Tổ chức phi chính phủ này có 900 người rà phá bom mìn hiện tại ở Ukraine, chủ yếu là dân địa phương, và dự kiến con số này có thể lên 1.200 vào cuối năm nay.
"Nếu bạn muốn loại bỏ hết mìn ở Ukraine trong 10 năm, bạn sẽ cần ít nhất 10.000 người", ông nói, dựa trên số lượng mìn bị rải ở Ukraine cho đến nay.
Thanh Tâm (Theo Guardian)