Tối 11/7, sau hai ngày xét xử, TAND TP HCM phạt Phan Công Bình, 56 tuổi, mức án tù chung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt. Có vai trò giúp sức, Phạm Minh Quân, 31 tuổi, nguyên kế toán Công ty TNHH Công Bình, nhận 12 năm tù.
Liên quan đến vụ án, ông Cù Anh Tuấn, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank); Nguyễn Mạnh Quân, nguyên phó tổng giám đốc ABBank lĩnh 3 năm tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trần Thế Lực, cựu giám đốc ABBank chi nhánh Sài Gòn bị phạt 12 năm; Cao Văn Anh, cựu phó giám đốc bị phạt 10 năm và Nguyễn Văn Tuấn (cựu trưởng PGD Soái Kình Lâm, ABBank Sài Gòn) lĩnh 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo HĐXX, Bình không thừa nhận hành vi gian dối, song kết quả điều tra xác định bị cáo phạm tội như cáo buộc, chiếm đoạt số tiền lớn không còn khả năng khắc phục nên cần xử lý nghiêm. Các bị cáo khác thành khẩn khai báo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được giảm một phần trách nhiệm.
Bản án xác định, khoảng tháng 7/2016, ông Bình chỉ đạo Phạm Minh Quân làm khống một giấy tờ để lập hồ sơ đề xuất ABBank vay 470 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh và tài trợ xuất khẩu.
Được Hội đồng tín dụng ngân hàng đồng ý, ông Bình và lãnh đạo nhà băng đã ký hợp đồng tín dụng hạn mức 405 tỷ đồng thời hạn 6 tháng đến một năm. Tài sản cầm cố là lúa khô và gạo thành phẩm. Ông Bình sau đó cùng với Trần Thế Lực và Đỗ Đại Thành (Giám đốc, đại diện Công ty ABBS) đã ký hợp đồng để thuê công ty này bảo vệ lô hàng.
Đại diện các bên đã đến kho của Công ty Công Bình để kiểm kê tài sản thế chấp. Theo báo cáo của Công ty Công Bình, gạo đã được đóng thành bao, mỗi bao 50 kg xếp sẵn thành các cây gạo. Để không mất nhiều thời gian công sức cho việc kiểm kê, đại diện các bên thống nhất phương án đo chiều cao, rộng của mỗi cây sau đó tính ra trọng lượng hàng hóa của mỗi cây. Sau đó, sẽ kiểm tra ngẫu nhiên số lượng gạo ở mỗi cây bất kỳ.
Từ 2016 đến 2017, ông Bình và Lực đã ký nhiều hợp đồng thế chấp tổng cộng 20.802 tấn gạo và được ngân hàng nhiều lần giải ngân gần 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình bổ sung thêm gạo theo những hợp đồng nhận nợ mới, ông Bình có hành vi gian dối, chỉ đạo nhân viên xếp, chất các cây gạo không đúng số lượng, bị rỗng bên trong, dẫn đến bị thiếu hơn 10.167 tấn, không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán.
Số tiền vay được, ông Bình sử dụng để trả nợ cho nhiều tổ chức, cá nhân khác hoặc đảo nợ, không sử dụng vào mục đích kinh doanh dẫn đến mất khả năng trả nợ.
Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo Bình không thừa nhận hành vi gian dối, cho rằng việc thiếu hụt số gạo trong kho là do quá trình phát mãi cân đo không khách quan dẫn đến bị thất thoát, bị lấy trộm... nhưng quan điểm này bị tòa bác.
Hải Duyên