Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết, Fahd, 35 tuổi, quốc tịch Pakistan và Grenada, bắt đầu mở khóa các mẫu điện thoại của AT&T khi chưa hết hạn hợp đồng để trục lợi. Thẩm phán Robert S. Lasnik của Tòa án quận Tây Washington kết luận Fahd là "tội phạm mạng gây ra hậu quả kinh khủng một thời gian dài".
Theo cáo trạng, khoảng tháng 6 - 7/2012, Fahd liên hệ với một nhân viên AT&T tại trung tâm ở Bothell, Washington qua Facebook. Fahd đề nghị với nhân viên này "một khoản tiền đáng kể" để lấy số IMEI và thông tin đăng nhập của các hợp đồng, đồng thời gợi ý có thể rủ những nhân viên khác làm cùng.
Fahd sử dụng tên giả là Frank Zhang, hướng dẫn nhân viên AT&T thiết lập các doanh nghiệp "ma" và tài khoản ngân hàng giả mạo cho doanh nghiệp đó. Mục đích là để nhận các khoản thanh toán, tạo hóa đơn giả nhằm "ngụy trang" cho giống với các khoản tiền được thanh toán dịch vụ chính hãng.
Năm 2013, AT&T triển khai hệ thống mở khóa mới cho smartphone nằm trong hợp đồng khóa mạng, khiến những nhân viên "tay trong" khó cung cấp số IMEI hơn. Fahd đã thuê một nhà phát triển phần mềm tạo mã độc, cho lây nhiễm trên máy tính của AT&T để thu thập thông tin.
Các nhân viên AT&T bị mua chuộc đã cung cấp thông tin bí mật về hệ thống và quy trình mở khóa, cũng như bị Fahd yêu cầu cài đặt mã độc trên máy tính. Nhờ đó, Fahd có thể mở khóa điện thoại từ Pakistan.
Các mẫu điện thoại như iPhone có giá hàng trăm tới hơn 1.000 USD. Để giúp khách hàng dễ tiếp cận, một số nhà mạng tại Mỹ như AT&T, Verizon... đã hỗ trợ mua hàng bằng hợp đồng trả góp theo tháng. Sau khi hết thời gian hợp đồng, thiết bị sẽ được mở khóa. Tuy nhiên, cách làm của Fahd là giúp khách hàng mở khóa thiết bị trước thời hạn, từ đó không trả đủ tiền dịch vụ cho AT&T.
Tổng số điện thoại di động bị nhóm của Fahd mở khóa trái phép là 1.900.033 chiếc. Nhà mạng Mỹ xác định thiệt hại mà họ phải gánh chịu là 201,5 triệu USD.
Fahd bị truy tố từ năm 2017 và bị bắt tại Hong Kong năm 2018. Tháng 9/2020, người này nhận tội, nhưng vụ án đến tháng 9 năm nay mới hoàn tất xét xử. Fahd bị kết án 12 năm tù giam và phải bồi thường 200,6 triệu USD.
Như Phúc (theo The Verge)