"Hãy kiên nhẫn", Moyes trấn an các thành viên và người hâm mộ West Ham, khi ông quyết định mượn Lingard từ Man Utd trong ít ngày cuối kỳ chuyển nhượng tháng 1/2021. "Chúng tôi không muốn vội vàng với trường hợp của Lingard. Phía trước còn rất nhiều trận đấu và chúng ta cần phải kiên nhẫn với Lingard. Hy vọng, chúng tôi có thể biến cậu ấy thành một cầu thủ hàng đầu Ngoại hạng Anh".
Nhưng đó có thể là lần đầu tiên và cũng là duy nhất mùa này, Moyes nhận định sai, bởi thực tế sau đó cho thấy, lời kêu gọi kiên nhẫn dành cho Lingard của HLV người Scotland là quá thừa thãi.
Dù ưu tiên của Moyes là gì đi nữa khi mượn tiền vệ người Anh về từ Man Utd, Lingard vẫn là phương án khôn ngoan của West Ham. Bản thân anh hiểu rõ đội bóng đang rất cần một tiền đạo. Sebastian Haller đã sang Ajax, và West Ham chỉ còn mình Michail Antonio là chuyên gia săn bàn.
Vấn đề, như Moyes từng đặt ra, chính là sự khan hiếm các phương án "lắp vào là vận hành ngay" trên thị trường chuyển nhượng lúc bấy giờ. Dẫu sao, ông cũng tin rằng, Lingard ít ra có thể mang đến giải pháp cho hàng công West Ham. Cầu thủ của Man Utd này có thể đá như một tiền đạo khi cần, đồng thời có thể chơi dạt biên phải, biên trái trên hàng công, hoặc thậm chí là lùi sâu xuống hàng tiền vệ. Trong bối cảnh West Ham nuôi tham vọng kiếm vé dự Cup châu Âu mùa tới, sự đa năng và cơ động biến Lingard thành cầu thủ giá trị lớn họ.
Dù vậy, không phải ai cũng nhìn câu chuyện theo cách đó. Những phản ứng ban đầu của truyền thông và dư luận khi West Ham công bố thương vụ Lingard ít nhiều trái nhiều. Một số chuyên gia, như Paul Merson của Sky Sports, từng tuyên bố thời điểm ấy: "Lingard vẫn là một cầu thủ giỏi, West Ham có thể sẽ tìm thấy một viên kim cương nơi cầu thủ này".
Nhưng số khác thì hoài nghi, liệu một cầu thủ bị ruồng bỏ tại Man Utd như Lingard có "đủ chất lượng" cho một vị trí ở West Ham. Cựu cầu thủ West Ham giai đoạn 1998-2003, Trevor Sinclair nói trên talkSPORT: "Jesse có đủ giỏi để đá ở tuyến giữa? Cậu ấy có đủ giỏi để thay thế trên hàng công nếu Antonio cần nghỉ ngơi hoặc chấn thương? Tôi nghĩ là không. Tôi không chắc về thương vụ này".
Rio Ferdinand, một cựu cầu thủ West Ham, Man Utd nay là chuyên gia bình luận trên đài BT Sport, thì vẫn luôn hết mực ủng hộ Lingard. Ferdinand từng nói, anh "đã tranh luận với các chuyên gia này đến các chuyên gia nọ, hết lần này đến lần khác, từ trên sóng lẫn ngoài đời" để bảo vệ Lingard.
Moyes biết hết. Do đó, ông kêu gọi tất cả bình tĩnh. "Hãy cho cậu ấy thêm một chút thời gian để hòa nhập, hãy cho cậu ấy thêm một cơ hội", HLV của West Ham nói. Nhưng đấy lại chính là cái sai của Moyes. Vì chỉ 24 giờ sau phát biểu ấy, Lingard lập cú đúp ngay ngày ra mắt, trong trận đấu Aston Villa. Cả Ngoại hạng Anh sửng sốt, và Lingard được tán dương là cầu thủ hay nhất hôm ấy.
Và sau màn chào hàng ấn tượng ấy, Lingard gần như không ngoảnh đầu lại. Hóa ra, không như sự đề phòng của Moyes, cựu tiền vệ Man Utd không cần thời gian để hòa nhập. Đến nay, Lingard đã ghi được sáu bàn và có ba kiến tạo cho West Ham chỉ qua tám trận Ngoại hạng Anh. Phong độ ấn tượng đó không chỉ càng thôi thúc Moyes mua đứt Lingard, mà khiến hai đội bóng khác - Leicester City và Aston Villa - nhảy vào cuộc, tranh mua tiền vệ 28 tuổi. Với cá nhân, Lingard được ghi nhận với suất trở lại tuyển Anh lần đầu tiên sau hai năm.
Danh tiếng tăng lên rồi giảm xuống hoặc ngược lại là chuyện hiển nhiên trong thế giới bóng đá. Nhưng dù có ở một chuẩn mực nào đó, sự chuyển mình của Lingard, thứ mà anh tự mô tả là "một luồng sinh khí mới", thì thật thu hút.
Đã có lúc Lingard được xem là một phần "ít ỏi" trong đội hình Man Utd; còn trong mắt của đại chúng, anh trở thành một... trò cười. Cứ hàng tháng trôi qua, người ta lại chuyền tay nhau những bức ảnh chế giễu Lingard trên các mạng xã hội, và đặt câu hỏi tu từ: "Bốn tuần rồi Jesse có ghi bàn hay kiến tạo gì không nhở?". Đó luôn là cách thế giới được vận hành trên mạng xã hội thời nay, đủ ngây thơ vô tư, nhưng cũng đủ tàn nhẫn.
Có cũng có lúc, như hồi tháng 12/2018, Lingard chơi với phong độ rực rỡ bậc nhất sự nghiệp, khi anh ghi bốn bàn và có hai kiến tạo. Nhưng suốt một chặng dài trước đó và sau này, anh không còn thể hiện được gì. Danh tiếng, hay tai tiếng mà Lingard xây dựng lại đến từ những điều ngoại lệ, hơn là nguyên tắc. Chuyện của Lingard ở Man Utd tiếc thay rất ứng với câu nói của người Pháp "Ngoại lệ khẳng định nguyên tắc".
Những ấn tượng đó dành cho Lingard khó lòng có thể tẩy trắng ngay cả lúc này. Một phần, nó không xuất phát từ lỗi của anh. Bởi đó còn là sản phẩm của truyền thông Anh quốc, của các cuộc tranh luận trên sóng truyền hình giữa những chuyên gia bóng đá. Trong khi, cũng chính họ đã có lúc khắc họa Lingard là một tài năng trẻ đầy triển vọng. Một phần nữa, đến từ sự công kích và đánh giá của chính một bộ phận người hâm mộ bóng đá, nhất là trên mạng xã hội.
Nhưng phần còn lại, Lingard cũng có lỗi khi anh không tự giúp bản thân. Phê phán một chàng trai tìm cách bộc lộ cá tính có thể hơi thiếu công bằng. Nhưng thời, việc đầu tư quá nhiều vào những màn mừng bàn thắng đầy công phu, hay những pha làm trò trên mạng xã hội và cả việc tự đặt biệt danh "J-Lingz" không phải là cách giúp Lingard trở nên nghiêm túc trong mắt tất cả. Lingard là đồng lõa trong chính câu chuyện về anh.
Đến tháng 1/2021, những yếu tố kể trên hòa quyện lại, đẩy sự nghiệp Lingard vào bế tắc. Anh hầu như không được đá trận nào cho Man Utd, dù từng tự tin tuyên bố trở lại sau giai đoạn phong tỏa vì dịch bệnh với một trạng thái tốt nhất. Những đội bóng duy nhất muốn trao cho anh cơ hội thứ hai chỉ có West Brom, rồi Newcastle, và West Ham - đội có HLV là Moyes - người từng làm việc với Lingard tại Old Trafford tám năm trước.
Những gì diễn ra trong ba tháng qua chứng minh Lingard lựa chọn đúng. Một phần công lao trong công cuộc phục hưng của anh phải thuộc về Moyes. Vị HLV người Scotland đã trao niềm tin và giúp Lingard rũ bỏ mặc cảm, cũng như mang đến không gian trên sân để anh phát tiết. Nhưng phần lớn công lao còn lại, thuộc về chính anh. Lingard có một tấm bảng trắng treo trên tường nhà, trên đó được phủ đầy bởi những mục tiêu và hoài bão mà anh đặt ra, từ số pha dứt điểm thực hiện được, cho đến số cầu thủ anh vượt qua. Xét ở một góc khuất riêng tư nào đó, Lingard rõ ràng thật sự nghiêm túc với sự nghiệp của bản thân.
Nhưng trong câu chuyện về Lingard còn có một bài học. Thậm chí, nhiều hơn một là đằng khác. Đầu tiên là một bài học vốn đã cũ kỹ: rằng, trong bóng đá, sân khấu để tỏa sáng quan trọng như chính trình độ của người diễn. Cầu thủ sẽ chỉ có thể phát triển và phô diễn tài năng, và tỏa sáng nếu được đặt vào một môi trường thuận lợi, phù hợp; đúng người, đúng thời điểm quan trọng như chính nền tảng tài năng của cá nhân ấy.
Bài học thứ hai là khả năng nhận thức có thể sai lệch dựa trên hoàn cảnh. Tất cả dường như dễ dàng quên đi rằng bóng đá là một kim tự tháp, càng lên cao, không khí càng loãng. Họ dễ dàng quên rằng chỉ những cầu thủ hay nhất, chất lượng nhất mới đủ đáp ứng đòi hỏi từ những CLB giàu tham vọng như Man Utd, hay nhóm ít các CLB lớn khác. Rất thường xuyên, người hâm mộ gặp một giả định rằng những ai thất bại ở Old Trafford, Camp Nou, Santiago Bernabeu hay Allianz Arena... đều là những cầu thủ bất tài, vô dụng.
Nhưng thực tế không chỉ khác, mà còn trái ngược hoàn toàn: Một cầu thủ đã tồn tại đủ lâu tại Man Utd như Lingard, sẽ vẫn đứng vững và bước tiếp trên những mảnh đất màu mỡ khác phù hợp với anh. Có thể, Lingard không đủ xuất sắc và cũng không còn kịp để thành công ở chính nơi anh bắt đầu sự nghiệp. Và có thể, chính Lingard chứ không phải chúng ta, ở một thời điểm nào đó lẽ ra đã có đủ lý do để nhận ra rằng, mình cần phải nghiêm túc hơn.
Hoàng Thông (theo New York Times)