Ở Oscar 2013, khán giả được thưởng thức tới hai bộ phim về đề tài nô lệ da màu tại Mỹ. Đầu tiên là Django Unchained, tác phẩm cao bồi đẫm máu của Tarantino mô tả cuộc sống khổ cực của người da đen trước khi được giải phóng khỏi xiềng xích. Bộ phim còn lại là Lincoln (tựa Việt là Tổng thống Lincoln), nói về người đàn ông đã làm được điều vĩ đại ấy cho người da màu. Không giàu tính giải trí và giả tưởng như Abrham Lincoln: Vampire Hunter năm ngoái, Lincoln là bộ phim chân thực, khắc họa những tháng cuối nhiệm kỳ của vị tổng thống lừng danh này qua diễn xuất hoàn hảo của Daniel Day-Lewis.
Trailer phim "Lincoln" |
|
Phim bắt đầu với mốc thời gian là tháng 1/1865, khi vị tổng thống thứ 16 của Mỹ tìm cách khiến Quốc hội thông qua Tu chính án (bản sửa đổi hiến pháp) thứ 13, mà nếu được chấp thuận sẽ đồng nghĩa với việc giải phóng nô lệ trên toàn nước Mỹ. Lincoln đối mặt với sự hoài nghi từ chính nội bộ Đảng Cộng hòa và sự phản đối kịch liệt từ Đảng Dân dhủ, song ông vẫn cương quyết muốn loại bỏ chế độ nô lệ, với nạn nhân đa phần là người da đen, và niềm tin "mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau". Song song với việc tìm kiếm những lá phiếu ủng hộ, bộ phim còn kể về giai đoạn nội chiến Mỹ gay gắt, tất cả đều thể hiện khả năng thao lược và chính trị tuyệt vời của Lincoln...
Một tác phẩm điện ảnh chỉn chu về mọi mặt
Đạo diễn của Lincoln là huyền thoại sống của Hollywood: Steven Spielberg, người sở hữu hai dòng phim với ý nghĩa khác nhau. Đầu tiên phải kể tới những loạt phim bom tấn giàu tính giải trí, phục vụ khán giả như các phần Indiana Jones, Jurassic Park, Jaws... và còn lại là những dự án mang tính cá nhân do Spielberg ấp ủ, lột tả sự khốc liệt của chiến tranh, chính trường như Schindler’s List, Saving Private Ryan hay Munich. Lincoln là một bộ phim thuộc dạng thứ hai, nhằm mô tả vị tổng thống mà Spielberg hằng ngưỡng mộ.
Sau 12 năm, quá trình chuyển thể cuốn sách Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln (tác giả Doris Goodwin) của Spielberg mới hoàn tất và nó thực sự hoàn thiện về mọi mặt như đúng mong muốn của ông. Nhiều nhà phê bình điện ảnh Mỹ ví cảm xúc xem phim "như được ngồi trên cỗ máy thời gian" bởi mọi thứ đều quá chân thực, từ tạo hình nhân vật, cách nói chuyện lẫn sự căng thẳng, gấp gáp của thời cuộc.
Sự tưởng thưởng rõ ràng nhất của giới phê bình dành cho Lincoln chính là bộ phim được đề cử tới 12 giải Oscar, bao gồm Quay phim, Thiết kế trang phục, Đạo diễn, Biên tập, Nhạc nền, Hòa âm, Kịch bản chuyển thể, Nam/ Nữ diễn viên phụ, Phim hay nhất và thắng hai giải là Thiết kế sản xuất cùng Nam chính. Điều này hẳn thỏa mãn phần nào Steven Spielberg, người tỏ ra không hài lòng trước sự thật rằng từ trước tới nay chỉ có một phim tử tế làm về vị tổng thống được dân Mỹ kính trọng này là Young Mr. Lincoln (1939).
Diễn xuất hoàn hảo của Daniel Day-Lewis
Lincoln quy tụ những ngôi sao đẳng cấp đã được khẳng định như Joseph Gordon-Levitt (vai Robert – con trai Lincoln) và có hai diễn viên phụ được đề cử Oscar là Tommy Lee Jones (vai dân biểu Thaddeus Stevens – người nắm vai trò quan trọng trong vận động phiếu bầu) và Sally Field (vai đệ nhất phu nhân Mary). Song tất cả đều bị phủ bóng bởi diễn xuất hoàn hảo của Daniel Day-Lewis trong vai tổng thống Abraham Lincoln. Trước lễ trao giải Oscar, ông đã chiến thắng trong hầu hết giải thưởng được đề cử như BAFTA, Quả cầu Vàng, SAG... và làm nên lịch sử sau ngày 24/2 khi trở thành người đầu tiên nhận 3 giải Oscar cho "Nam diễn viên chính xuất sắc".
Day-Lewis vốn nổi tiếng là người kỹ tính trong chọn vai diễn và đó là lý do của việc dù đã đoạt rất nhiều giải thưởng, ngôi sao 56 tuổi này mới đóng chưa đầy 30 phim trong sự nghiệp. Giải Oscar đầu tiên đến với Day-Lewis khi ông vào vai nhân vật có thật, bị liệt não bẩm sinh Christy Brown trong My Left Foot (1989). Để nhập tâm vào vai diễn, Day-Lewis từng ngồi lỳ trên xe lăn và không chịu rời trường quay, buộc các nhân viên phải... đẩy ông qua các hệ thống máy quay.
Điều tương tự cũng xảy ra trên trường quay Lincoln, khi nam diễn viên người Anh nói giọng vùng Kentucky (quê hương Lincoln) trong cả giờ nghỉ giải lao và còn nhắn tin cho Sally Field với lời lẽ như thể Lincoln đang trò chuyện với vợ Mary. Sau khi bộ phim gặt hái hàng loạt giải thưởng, Steven Spielberg tiết lộ rằng ông "sẽ hủy ngay dự án này nếu không mời được Daniel Day-Lewis".
Khi xem phim, người xem sẽ hiểu được lý do tài tử này được ca ngợi đến vậy. Day-Lewis như thể đã tái sinh Lincoln như những gì người ta được xem qua ảnh, từ bộ râu nổi tiếng, dáng người cao lênh khênh cho tới chất giọng khàn khàn, hơi nhẹ mà ông sáng tạo cho nhân vật này. Lincoln có thể hài hước với quân nhân, trìu mến với con nhỏ, có những bước đi mang dấu hiệu của tuổi già, song khi ông diễn thuyết hay bàn về một vấn đề chính trị, khán giả luôn thấy được thần thái và niềm tin mạnh mẽ được toát lên từ nhân vật này.
Ông hùng hồn diễn giải trước nội các, thể hiện mình mạnh mẽ ra sao trước những diễn biến xấu của cuộc nội chiến hay việc con trai Robert muốn tòng quân. Cá tính của Day-Lewis đã mang tới một Lincoln tài ba, thông thái và cũng rất đỗi đời thường. Tượng vàng Oscar cho ông là hoàn toàn xứng đáng.
Lincoln không phải một bộ phim dễ xem với số đông khán giả, nhất là với những ai không quan tâm tới lịch sử nước Mỹ. Tại Mỹ, bộ phim gặt hái hơn 100 triệu USD không chỉ bởi tên tuổi của dàn diễn viên, đạo diễn mà còn nhờ Lincoln là nhân vật được cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều kính trọng. Có chiều dài hai tiếng rưỡi và đa phần đều là thoại với nội dung xoay quanh chủ đề chính trị, Lincoln đòi hỏi người xem có vốn kiến thức nhất định về lịch sử cuộc nội chiến Mỹ để cảm nhận được tác phẩm.
Lincoln khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 5/4.
Thịnh Joey