Bóng đá Pháp ngày càng sản sinh ra nhiều tài năng, góp phần giúp đội tuyển vô địch World Cup 2018. Cầu thủ Pháp thi đấu và tỏa sáng ở nước ngoài cũng không hiếm. Với thành công của Patrick Vieira hay Thierry Henry ở Arsenal cuối những năm 90, cầu thủ Pháp ngày càng có ảnh hưởng tới Ngoại hạng Anh và những giải hàng đầu châu Âu khác. Thành phần tuyển Pháp ở đợt tập trung tháng 6/2022 có tới 18 cầu thủ đang chơi ở nước ngoài.
Các CLB hàng đầu không chỉ chiêu mộ cầu thủ từ Ligue 1, mà họ còn cài cắm những tuyển trạch viên ở Ligue 2. Arsenal là một trong số đó, khi họ nhắm tới trung vệ Laurent Koscielny khi anh còn chơi cho Tours ở Ligue 2 năm 2009. Sau một mùa giải chơi ở Ligue 1, Koscielny lập tức được Arsenal chiêu mộ. Năm 2018, Arsenal chiêu mộ tiền vệ Matteo Guendouzi từ Lorient ở Ligue 2, và anh được đá chính ngay tại Emirates. Mâu thuẫn với HLV Mikel Arteta khiến Guendouzi phải ra đi, nhưng anh vẫn là tuyển thủ Pháp.
Nhưng không phải Arsenal, Leicester thành công nhất với những cầu thủ Ligue 2. Họ đưa Riyad Mahrez về từ Le Havre năm 2014 với giá chưa đến 600.000 USD. Một năm sau, Leicester cũng chiêu mộ N'Golo Kante từ Caen với phí chuyển nhượng hơn 9 triệu USD. Hai cầu thủ này sau đó làm trụ cột Leicester vô địch Ngoại hạng Anh năm 2016. Sau khi bán Mahrez và Kante cho Man City và Chelsea, Leicester lãi gần 120 triệu USD.
Các CLB Bundesliga cũng đang học hỏi cách làm trên. Konate gia nhập Leipzig từ Sochaux ở Ligue 2 hè 2017, theo dạng tự do. Anh nhanh chóng thành trụ cột của Leipzig, trước khi sang Liverpool hè 2021. Cựu trung vệ Leipzig Dayot Upamecano cũng không chơi trận nào ở Ligue 1 cho đến khi được Salzburg chiêu mộ.
Vua phá lưới Stuttgart Silas Katompa cũng đến từ CLB Paris ở Ligue 2. Wolfsburg ký hợp đồng với trung vệ Maxence Lacroix từ Sochaux. CLB hạng Hai này cũng đã bán tiền vệ Lucien Agoume cho Inter ở Serie A hè 2019.
Ilja Kaenzig từng làm giám đốc điều hành Sochaux, trước khi chuyển sang Bochum ở Đức. Ông cho rằng Sochaux có truyền thống đào tạo trẻ, với những HLV giỏi, và đội bóng cũng biết cách tạo ra mạng lưới tuyển trạch cầu thủ khắp Pháp. Sochaux cũng nằm sát biên giới phía Đông của Pháp, nên thường được những tuyển trạch viên những nước lận cận tới xem.
Pau FC cũng có điểm chung với Sochaux, khi nằm ở gần biên giới phía nam Pháp, sát Tây Ban Nha. Lò đào tạo trẻ của đội này không được đánh giá cao như Sochaux, Le Harve hay Caen. Nhưng những trận của Pau ở Ligue 2 vẫn sẽ được nhiều tuyển trạch viên châu Âu dõi theo, vấn đề là liệu cầu thủ có thể hiện đủ trình độ để lọt vào mắt xanh những chuyên gia hay không.
Lý giải việc Ligue 2 ươm mầm nhiều tài năng cho các CLB hàng đầu, Kaenzig nói: "Những năm qua Đức định hướng phát triển cầu thủ trẻ theo hướng kỹ thuật và xử lý bóng đơn giản. Còn cầu thủ Pháp có thể đáp ứng đủ kỹ chiến thuật, lẫn tốc độ và thể lực. Khó tìm được những cầu thủ có đủ những tố chất đó ở châu Âu".
Một lý do khác khiến Ligue 2 quy tụ nhiều tài năng tiềm ẩn là Ligue 1 không còn đủ sức chứa cho họ. Những cầu thủ đó sẽ được cho mượn ở các CLB Ligue 2, để có sâu khấu thể hiện.
Quỹ lương của các đội Ligue 2 cũng thấp hơn nhiều so với những giải cùng cấp như hạng nhất Anh, Bundesliga 2 hay Serie B. Vì thế nếu các tuyển trạch viên nhận thấy cầu thủ Ligue 2 có tiềm năng thành ngôi sao, đội bóng sẽ không thể giữ lại.
Mùa trước ở Pau FC, trung phong Samuel Essende và hộ công Victor Lobry gây ấn tượng mạnh, khiến họ được nhiều CLB lớn hơn săn đón. Pau không đủ tiềm lực tài chính để giữ những cầu thủ này, nên chấp nhận để họ đi và chiêu mộ những cầu thủ tiềm năng khác thay thế. Một trong những người được đem về hè 2022 là tiền vệ Nguyễn Quang Hải.
Hoàng An