Công ty này trước đó đã có lần được bình chọn là một trong những mô hình doanh nghiệp thành công và được trao giải thưởng cấp quốc gia. Tuy nhiên, không lâu sau đó thì công ty làm ăn ngày càng xuống dốc và có nguy cơ bị phá sản.
Như thường lệ việc đầu tiên là cần phải nghiên cứu các bản báo cáo hoạt động. Thực sự thì tôi cũng không mấy hy vọng là sẽ có nhiều số liệu cập nhật để phân tích vì mỗi lần gặp các “bệnh nhân” tương tự thì điểm yếu nhất của họ bao giờ cũng là việc không có sổ sách phân minh. Tuy nhiên, điều hết sức ngạc nhiên lần này là hỏi đến bản báo cáo nào thì công ty này cũng có ngay lập tức. Không những thế, dường như họ lại có quá nhiều tài liệu phân tích tỉ mỉ, trình bày hết sức rõ ràng, đến độ hầu như không cần thiết. Họ hãnh diện cho biết, vừa chi hơn 1 triệu USD để thay đổi hoàn toàn hệ thống vi tính kế toán và có thể cho tôi bất cứ con số nào về những hoạt động của công ty. Chỉ tiếc rằng bản báo cáo nào cũng đầy rẫy những con số… âm in màu đỏ! (Trong kế toán, các con số tô màu đỏ biểu thị thua lỗ).
Tìm hiểu thêm, tôi mới biết rằng công ty này trước đây vốn do người trong gia đình quản lý và khi muốn phát triển thì gia đình chủ công ty đã mời một vị cựu giám đốc một công ty kiểm toán độc lập về làm tổng giám đốc (CEO) của công ty.
Tôi không phải là người có thiên kiến đối với kiểm toán viên, mà ngược lại luôn đánh giá cao ngành kế toán là rất cần thiết và quan trọng. Chỉ có điều là qua kinh nghiệm với nhiều trường hợp tương tự, tôi để ý rằng, một số CEO xuất thân từ con đường kiểm toán vì đã được huấn luyện thuần thục và sống trong thế giới của những con số quá lâu, thường có thói quen chú trọng quá nhiều vào việc “tính sổ”. Nói một cách khác, họ thường say mê với những con số báo cáo kết quả sau khi sự kiện đã xảy ra, hơn là quan tâm và cảm thấy quen thuộc với những hoạt động trước sự kiện, như sản xuất, tiếp thị, bán hàng, mở thị trường mới..
Tương tự, gặp một CEO tiến thân từ con đường tiếp thị thì dường như người ấy sẽ có khuynh hướng chú trọng lèo lái công ty dựa theo con đường tiếp thị vì thế mạnh của vị ấy không ở các ngành khác như tài chính hay kỹ thuật. Một người CEO xuất thân từ trường Bách Khoa thì lại có khuynh hướng giải quyết những vấn đề công ty bằng con đường kỹ thuật, nghĩa là chú tâm nhiều về mặt sản xuất hơn là bán hàng.
Thật vậy ai cũng có một thế mạnh riêng của mình và rất khó tránh khỏi rơi vào lề lối suy nghĩ cũ để giải quyết một bài toán mới. Nói hơi quá một chút là nếu giao vấn đề cho một người thợ cưa, thì gặp cái gì anh ta cũng… cưa tuốt! Và nếu giao cho một người với cái búa trong tay thì gặp vấn đề gì anh ta cũng “nện” cho mấy búa là xong.
Kinh nghiệm, quá trình hoạt động và cá tính của mỗi vị CEO đều ghi một dấu ấn rất quan trọng trong đường hướng hoạt động và thành quả của một doanh nghiệp. Việc lèo lái một doanh nghiệp đòi hỏi người CEO phải có một cái nhìn toàn cảnh, không nên quá thiên về bất cứ một lĩnh vực nào. Do đó, các vị CEO mới nhậm chức cần phải hết sức cảnh giác để tránh không bị rơi vào những thói quen, phương cách suy nghĩ và lề lối làm việc cũ mà họ đã thu thập được khi còn phụ trách một bộ phận chuyên môn nào đó trong công ty. Cũng vì thế mà nhiều tập đoàn lớn thường thuyên chuyển các giám đốc đến những nhiệm sở khác nhau hầu chuẩn bị đào tạo một lớp lãnh đạo có tầm nhìn rộng và có khả năng ngồi vào chiếc ghế CEO sau này.
Trở lại câu chuyện ban đầu, bản tường trình của tôi lên hội đồng quản trị công ty này gồm một loạt "liều thuốc” đắng cần mang ra áp dụng mà điều đầu tiên là họ nên lập tức… thay đổi người CEO, nếu muốn nhanh chóng vực dậy công ty.
Võ Tá Hân